Hầu như tối nào chúng tôi cũng ngồi dưới cái hiên nhà trước bungalow cho tới tận quá nửa đêm. Ngồi đấy để mà phê khói xanh, khói xám; để mà mơ màng phê ảo về những thế giới siêu thực, những ngôi làng thế giới của những con người đồng chất và đồng nhất từ khắp nơi trên trái đất này đổ về sinh sống cùng nhau, tự cung tự cấp, trao đổi những giá trị con người chân thật và trần trụi nhất, tự tìm thấy chính mình đơn giản, sung sướng trong cái niềm vui tận hưởng trọn vẹn dành cho chính bản thân mình, do chính mình tạo ra, trong cái tự do tối thượng mà mỗi cá nhân có thể đạt được đến cho mình, bằng chính những đam mê tự thân của mình và sự lao động miệt mài vì đam mê lớn nhất đó. Nhưng lúc ngồi phê dưới cái hiên nhà huyền thoại ấy, trong những làn gió biển đêm lành lạnh xoay vần xung quanh, chúng tôi đã không ít lần đẩy mình lên đến cực hạn của những cảm giác sợ hãi, cô đơn, hạnh phúc, sung sướng, tự do, tù đày, cả những cảm giác siêu thực về quá khứ, hiện tại, tương lai, thậm chí là cả linh cảm về những năng lực chỉ dẫn siêu nhiên của vũ trụ – cái thứ quyền năng thần thánh của tự nhiên, nằm ngoài kiểm soát của con người, vẫn đang vung vãi những tín hiệu chỉ đường cho mỗi con người trên con đường đi tới phiên bản tốt nhất của chính mình, phá vỡ những giới hạn. Những gì tôi vừa nói đây, chính là một phần nguyên bản cái cảm giác mơ ảo nhưng chân thực, thực đến mức siêu thực mà chúng tôi đã có được trong những buổi đêm tiệc khói ở ngôi làng ven biển Sihanouk, một cảm giác mà có lẽ, chỉ có thể được sinh ra ở trong chính cái không gian ấy, cái thời gian ấy, cái thanh âm và không khí ấy, và trong cái tâm thế đi tìm tự do nội tại khi ấy của chúng tôi. Đến tận sau này, khi đã trở về Hà Nội, thi thoảng lúc cắn một miếng ớt chuông, gặm một miếng mì tôm sống hay làm ít khói tươi, mấy đứa tôi vẫn thường nhắc lại cái dư vị đặc sánh khó quên ở biển Sihanouk đó, như một khoảng thời gian sống hippie có một không hai, một khoảng thời gian cùng lúc nhập tục và thoát tục đầy những cảm xúc khó tả thành lời.
Đăng kí tour du lịch Campuchia – Sihanoukville để tự viết lại trải nghiệm cho riêng mình
Vào những buổi tối không ngồi mơ màng dưới hiên nhà, mấy chúng tôi rủ nhau cuốc bộ vào những con đường làng tối om, lầy lội bùn đất sau cơn mưa, thi thoảng có những tiếng chó sủa xuyên vào màn đêm đặc quánh. Đi bộ giữa những con đường làng hẻo lánh, hoang sơ như thế, chắc chẳng mấy ai lại nghĩ ra được rằng chúng sẽ dẫn tới những quán pub nho nhỏ, đầy thứ âm nhạc DJ “handmade” cực chất và những buổi party độc nhất vô nhị không thể được tìm thấy ở những không gian bar, pub ở bất cứ thành phố, thị trấn nào, ngoài cái làng nhỏ Otres Long Beach này.
Cái pub quen mà chúng tôi vô tình bắt gặp được ở một góc của con đường làng tối đó, có một dáng vẻ bình thường từ bên ngoài, nhưng phía trong thì gợi cho người ta một cảm giác: đã tới một lần thì không bao giờ có thể xóa nó khỏi kí ức được. Đó là nơi chúng tôi đã gặp vô số những con người hippie đến từ nhiều nơi trên thế giới, đến ngôi làng này để sống như người địa phương, chứ không phải để du lịch rồi về. Với họ, Sihanouk chính là nhà, là nơi đi về và là nơi ở lại.
Một cậu bạn người Đức, Steve, đội chiếc mũ phớt xám và mặc cái áo hoa phanh ngực, làm bartender kiêm “masterchef” cho những điếu khói tươi miễn phí cho tất cả ai vào pub. Trước mặt Steve là một cái thớt gỗ thô lớn và một con dao to bản. Trên mặt thớt là nguyên một búp xanh to, sực nức và những vụn lá đã được băm nhỏ đều tay, sẵn sàng chờ cuốn. Steve gọi chúng tôi là Việt crew, nhóm người Việt duy nhất mà cậu gặp ở chỗ Sihanouk này, trong chính cái pub đó.
Một bà DJ người Anh, đã ngoài năm mươi tuổi, đêm nào cũng đi lang thang qua những party ở Sihanouk để chơi thứ nhạc mang đậm dấu ấn Charlie, tên của bà, một thứ nhạc đậm và đằm như chính độ tuổi của Charlie, xuất thần không lặp lại qua các đêm, cũng không thể lẫn lộn với bất cứ một DJ nào khác. Charlie chơi say mê tới mức những ngón tay bà đổ mồ hôi ướt đầm trong một buổi tối gió lạnh.
Một cậu bạn địa phương người Campuchia, P.K, cái tên mà bất cứ dân hippie nào tới sống ở Sihanouk đều phải biết tới, đều cần tìm tới cậu để nói chuyện và hiểu thêm những ngóc ngách luật ngầm ở vùng đất này.
Tới Sihanouk để trải nghiệm không gian sống hippie có một không hai này
P.K thích chúng tôi ngay từ buổi gặp đầu tiên. Cậu ưu tiên dẫn chúng tôi đi ăn và chơi đêm trên thị trấn sau buổi party tơi bời ở pub trong làng, mặc kệ những lời rủ rê của các nhóm bạn Tây đã quen từ lâu khác. Cậu bảo với tôi: “Tao phải ưu tiên cho những người bạn Asian của tao trước chứ” rồi nháy mắt cười. Có buổi tối, P.K dẫn chúng tôi về nhà cậu chơi, một căn phòng nhỏ xíu, kê vừa một cái giường rưỡi, một cái tủ quần áo đối diện phòng tắm nhỏ. Tất cả lũ không thể ngồi ở một chỗ nào khác ngoài nhảy hết lên cái giường của P.K để ngồi chơi tán gẫu cả đêm. Thi thoảng, cô bạn gái người Anh của cậu mà tôi cũng mới quen trong cái pub nhỏ huyền thoại kia, lại nhắn tin cho tôi hỏi dò tình hình P.K, nó đi với ai, có ve vãn con nào khác không, làm tôi cứ buồn cười mãi. Ôi những cô gái “hotchicks” ở đâu, tây hay ta, cũng đều thế cả. Cứ thật ngốc nghếch, yếu đuối trong những mối tình với “bad boys” =)
Những ngày ở Sihanoukville của chúng tôi trôi qua theo những cung màu sắc độc đáo như thế, được tạo ra bởi những con người đủ hình thái và tính cách đến từ nhiều quốc gia, cùng tới để chia nhau mảnh không gian hoang dã Otres Long Beach này. Còn biết bao những gương mặt, tính cách kì lạ mà tôi đã gặp ở Sihanouk này mà tôi chỉ có thể lượm lặt lại được vài cái tên trong vô số, để cất giữ lại những câu chuyện của họ.
Một cậu bạn người Thụy Điển, mang tiếng là kẻ nổi loạn chính trị và bị trục xuất khỏi đất nước, cậu đến Sihanouk sống với một sự gắn bó máu thịt; trên những ngón tay cậu xăm một dòng chữ, mỗi chữ trên một ngón tay ghép lại thành: Close Your Eyes Open Your Mind.
Một cô bạn người Ý, tới Otres Long Beach mang theo những thực đơn đồ ăn truyền thống của Ý, để mở một nhà hàng Ý gốc giữa những ngôi làng Sihanouk này. Bạn trai cô cũng sống ở đây, làm DJ tự do cho những party khắp vùng Siahnouk.
Một bác người Thụy Sĩ, bỏ công việc thu nhập sáu, bảy nghìn Euro ở đất nước để vác con xe scooter đi vòng quay thế giới, tới Ý rồi vòng vèo sang tận Campuchia, gặp biển thì cả người và xe xách nhau lên thuyền. Bác đến Sihanouk và mở một hiệu sửa xe máy các loại phân khối cho người dân địa phương và dân hippie sống ở đây, với thu nhập ba, bốn trăm Euro một tháng, nhưng với bác, đó là một cuộc sống tự do và dễ chịu nhất từ trước tới giờ.
Một cô bé người Campuchia, tên Amika, có cha là người gốc Việt nhưng đã mất từ lâu. Amika mới mười tuổi nhưng nói tiếng Anh trơn tru như tiếng Cam vậy. Cô bé đi bán vòng tay dạo dọc bãi biển để kiếm tiền phụ thêm mẹ. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được đôi mắt sâu thẳm trên gương mặt bầu non nớt của cô bé. Tôi đã giơ máy muốn chụp lại gương mặt ngây thơ và đôi mắt như từng trải ấy, nhưng cô bé quay đi không muốn. Cô lấy bút viết cái tên Amika vào lòng bàn tay tôi rồi bảo: “You don’t need to take a photo to remember me. I will stay on your hand…” Amika dạy tôi chơi cờ viết trên lòng bàn tay và đan cho tôi một cái vòng thật xinh xắn, thật Amika. Amika, tiếng Pháp có nghĩa là, người bạn gái…
Còn có những người, mang cả vợ con đến Sihanouk sống cuộc sống giản đơn và hoang dã. Tôi đã chứng kiến những đứa trẻ con da trắng bé tí, cởi truồng nhông nhông phun nước vui đùa với những đứa trẻ con Campuchia ngăm đen rắn rỏi, giữa chúng không hề có một khoảng cách nào, không thấy một sự khác biệt về quốc tịch hay quá khứ, chỉ thấy duy nhất một niềm vui hồn nhiên và sung sướng, những đứa trẻ của tự do, cùng hít thở bầu không khí tự do nơi làng quê biển cả này.
Vlog ngáo ngơ của Minh
[embedyt] https://www.youtube.com/watch?v=fap7sIob-RU[/embedyt]