minvitamoon-blog-berlin-duc-germany
Một đường phố dân cư yên tĩnh ở Berlin

Tuy Đức là điểm đến đầu tiên trong hành trình ba tháng Châu Âu của anh và tôi, nhưng phần lớn thời gian đầu, chúng tôi lang thang ở thành phố Frankfurt bên dòng sông Main. Berlin hóa ra lại là điểm đến cuối cùng trong cả cuộc hành trình dài, sau khi hai đứa tôi đã từ Frankfurt qua Prague (Praha) – Séc, sang Hà Lan, Pháp, Italy, ngược lại các thị trấn nhỏ ở Séc, vòng lại Frankfurt rồi mới tới Berlin, trước khi bay sang Thụy Điển. Từ Stockholm, chúng tôi còn quay trở về Đức để gặp gỡ Berlin thêm một lần nữa trước khi rời Châu Âu.

Berlin – Thủ đô của đất nước đứng đầu khối EU, tưởng rằng nó sẽ muốn mình được nổi bật và náo nhiệt.

Thế nhưng, Berlin lại không hào nhoáng, phô trương như cái thanh thế trong khối chung Châu Âu của nó. Berlin chào đón hai đứa tôi bằng một sự tĩnh lặng, khiêm nhường… Một Berlin khiêm cung, có phần nhún nhường những tiếng tăm và sức hút du lịch cho những người anh em tên tuổi khác của nó như Prague, Paris, Rome hay Amsterdam…

minvitamoon-blog-berlin-duc-germany
Một góc vỉa hè Berlin tĩnh lặng

Sự lặng im, khiêm nhường ấy chẳng phải đến từ việc Berlin không có sự cổ kính và quyến rũ của Prague, không nổi tiếng huyền thoại như Roma, không nhuốm màu sôi động, sành điệu như Amsterdam hay được mang cái danh xưng bóng bẩy và sự lãng mạn của Paris. Những khách du lịch đổ đến Châu Âu chỉ vì tất cả những danh xưng quảng bá và những đặc trưng hiển nhiên kia, thì thường sẽ thấy Berlin thật khô khan, cục mịch và chẳng có gì nhiều để “check-in”.

Nhưng nếu ta chân thành lắng nghe và cảm nhận Berlin, ta sẽ thấy, thực ra, Berlin vẫn mang trong mình tất cả những vẻ đẹp ấy, chỉ là, chúng đã có không còn được hiện hữu trọn vẹn và viên mãn, chỉ còn thấp thoáng những dấu tích vụn vỡ của lịch sử, những mảnh vỡ thời đại vương vãi lại từ những trận bão tố Thế Chiến và sự chia cắt từng càn quét qua nước Đức.

minvitamoon-blog-berlin-duc-germany
Một nhà thờ ở Berlin

Một nước Đức vốn mang trong mình dòng máu đế quốc. Một nước Đức từng theo đuổi giấc mơ độc tài. Một dân tộc Đức vốn mang gen của kẻ mạnh đầy kiêu hãnh. Nước Đức ấy, giờ đây vẫn đang là một cường quốc hàng đầu của Châu Âu, nhưng thủ đô Berlin của nó lại có phần lặng im, khép mình? Tôi có cảm giác, Berlin giống như một trái tim trầm lặng với nhiều vết rạn nứt từ những nỗi đau đã cũ, của một người đàn ông từng trải và điềm tĩnh, có một tuổi trẻ ngạo nghễ, rỗi phải vấp xuống hố sâu quá lớn và nhận lấy cho mình một bài học lịch sử đau đớn – bài học từ những sự hủy diệt và thảm bại trong Thế Chiến và sự chia cắt Đông-Tây đầy hổ thẹn suốt thời kì Chiến Tranh Lạnh.

minvitamoon-blog-berlin-duc-germany
Bên một dòng sông chảy qua thành phố

Cảm giác ấy trong tôi càng trở nên hằn sâu và rõ rệt khi chúng tôi tới thăm Bức Tường Berlin lịch sử. Bức tường đã là đại diện cho sự chia cắt đau đớn và thô bạo của Berlin nói riêng và nước Đức nói chung trong khoảng ba chục năm trời, từ năm 1961 tới năm 1989. Bức tường không phải là một kiến trúc đặc biệt hay một cấu tạo độc đáo để người tham quan tới trầm trồ chụp ảnh. Nhưng, bức tường đó chính là lịch sử, là tấm gương phản chiếu một thời đại bão táp. Bức tường đó, bản thân nó đã là một nỗi đau trầm lặng, một nhát cắt sâu đã may mắn lành lại được của trái tim Berlin nhiều vết sẹo.

minvitamoon-blog-chau au-berlin-duc-germany
Một đoạn bức tường Berlin – The Berlin Wall (Tiếng Đức: Berliner Mauer)

Chính vì cái ấn tượng về sự lặng lẽ bao trùm trong ngày đầu đặt chân tới Berlin và cái cảm giác về nỗi đau lịch sử ám ảnh mang lại bởi Bức Tường Berlin ấy, mà trong suốt những ngày lang thang ở Berlin, tôi vẫn luôn cảm nhận vẹn nguyên cái sự điềm đạm và tĩnh lặng nội tại của thành phố này, dù là khi đi dạo qua những lối công viên xanh ngắt đầy người đạp xe và dạo bộ hay kể cả lúc lướt giữa đường phố đông đúc hay băng qua cây cầu lớn vắt trên dòng sông đầy những tàu thuyền, nhìn sang bên kia là Tháp truyền hình Berlin (Fernsehturm) cao ngất. Bản thân cái Tháp truyền hình – công trình cao nhất nước Đức ấy, một biểu tượng của sự thống nhất qui về một mối trên toàn nước Đức, cũng dường như mang theo luôn trên nó cái nét trầm lặng, mặc kệ cái vẻ ngoài hiện đại và tưởng chừng năng động của nó.

minvitamoon-blog-chau au-berlin-duc-germany
Tháp truyền hình Berlin – Berlin Television Tower (Tiếng Đức: Berliner Fernsehturm)

Nhưng phải cho tới khi hai đứa tôi đứng ngước nhìn trước cái công trình lịch sử Cổng Brandenburg huyền thoại của Berlin, biểu tượng cho hòa bình và sự chấm dứt chia cắt Đông-Tây của nước Đức, tôi mới thực sự cảm nhận được cái linh hồn của thành phố qui tụ trong bức tượng nữ thần Victoria ngự Tứ mã được đặt trên đỉnh của công trình, dưới cái nắng ôn đới trong vắt, chói lòa.

minvitamoon-blog-chau au-berlin-duc-germany
Cổng Brandenburg – Brandenburg Gate (Tiếng Đức: Brandenburger Tor)

Nằm một góc khiêm tốn bên cạnh chân cổng Brandenburg là lối vào một căn phòng trông không có gì đặc biệt về kiến trúc. Hai đứa tôi tha thẩn bước vào bên trong căn phòng đó – một căn phòng hoàn toàn bình thường mang tên Căn Phòng Im Lặng (The Room of Silence). Ở gian ngoài cùng, ngay sau cánh cửa nhỏ ra vào là một tấm bảng lớn ghi kín những từ “Hòa bình” bằng nhiều ngôn ngữ trên thế giới, trong đó có cả chữ Hòa Bình bằng tiếng Việt.

minvitamoon-blog-chau au-berlin-duc-germany
Những chữ “Hòa Bình” bằng nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt

Ngồi ở gian phòng nhỏ phía ngoài đó là một phụ nữ trung niên người Đức, bên cạnh chị là một hòm đóng góp tự nguyện dành cho những ai đi vào gian phòng thứ hai. Bước qua cánh cửa thứ hai ấy, chúng tôi thấy mình đứng trong một căn phòng vô thanh, bốn bức tường hoàn toàn cách âm. Ở giữa căn phòng không hề có đồ đạc gì trừ một vài cái ghế gỗ và đôi tấm nệm ngồi đặt trên sàn. Không gian tuyệt đối im lặng. Không một tiếng động. Trong phòng bao giờ cũng chỉ có đôi ba người lần lượt ra vào. Họ đi vào để ngồi nhắm mắt lắng nghe sự im lặng. Tôi và anh cũng ngồi xuống hai cái ghế.

minvitamoon-blog-chau au-berlin-duc-germany
Mô tả về lịch sử và ý nghĩa của Căn Phòng Im Lặng

Khi nhắm mắt lại trong căn phòng trống trải đó, tôi bỗng thấy chỉ còn lại mình và sự im lặng, một sự im lặng tuyệt nhiên ngay giữa cái nơi mà bên ngoài kia vẫn là thành phố tấp nập. Có lẽ, đó là lần đầu tiên tôi thực sự nghe thấy âm thanh của sự tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng cũng có một thứ âm thanh riêng của nó, rất thú vị và rõ nét, giống như đột nhiên, tai bạn có khả năng nghe được những tần sóng âm mà bình thường tai người không có khả năng cảm nhận.

Tại ngay chính giữa sóng âm kì lạ của sự tĩnh lặng ấy, lần đầu tiên tôi có được cảm giác như nghe thấy được suy nghĩ của cả những người ngồi xung quanh trong căn phòng. Không phải những suy nghĩ cụ thể mà là những tần sóng suy nghĩ, nó vang vang trong tai tôi rất rõ ràng, khi đôi mắt tôi vẫn đang nhắm lại và chỉ có đôi tai mở ra hết cỡ. Hai đứa tôi ngồi nhắm mắt khá lâu trong khi đã có nhiều lượt người khác nhau lặng lẽ bước vào rồi lại lặng lẽ đi ra khỏi căn phòng.

Lần thứ nhất, tôi nghe thấy những sóng âm rất cao và chói, gấp gáp và hỗn độn. Khi mở mắt ra, tôi thấy ngồi gần mình trong căn phòng là một cặp đôi Tây trung tuổi, có khổ người hơi to đậm. Lần thứ hai, tôi nghe thấy những sóng âm tầm trung, không cao không thấp, cứ đều đều như một lời cầu nguyện không sắc điệu. Mở mắt ra, tôi thấy ngồi cùng mình trong căn phòng lần này lại là một nhóm nữ ba người Trung Đông, trên đầu đội khăn có vẻ như theo đạo Hồi. Lần thứ ba, tôi nghe thấy những sóng âm đặc biệt trầm, rất ấm và thấp, bình ổn và mềm dịu như một dải lụa mỏng bay trong gió mượt. Tôi khá ngỡ ngàng khi mở mắt ra và bắt gặp người ngồi cùng chúng tôi trong căn phòng lúc ấy là một người phụ nữ trẻ, tầm ba mươi tuổi, có mái tóc ngắn đen dày ôm vào mặt và một đôi mắt sâu thẳm, màu xanh biếc hơi pha lục. Người phụ nữ này có một vẻ đẹp  cuốn hút, đầy sức sống nhưng rất trưởng thành. Có vẻ như cô mang trong mình sự pha trộn dòng máu từ nhiều châu lục.

Tôi đã rất thích thú với cái trò nhắm mắt lắng nghe mình và sự tĩnh lặng đó, để rồi không hiểu sao lại có được cái cảm giác kì lạ, lắng nghe thấy cả tần sóng suy nghĩ của những người ngồi cùng trong căn phòng một cách khó tin như thế. Đó là một câu chuyện khó quên ở Berlin mà tôi mới chỉ chia sẻ với anh và cậu bạn Alex mà chúng tôi gặp lại ở Thụy Điển.

minvitamoon-blog-chau au-berlin-duc-germany
Một góc phố Berlin-Đức

Suốt mấy ngày ở Berlin, chúng tôi ở trong phòng dorm của hostel Lette’m Sleep Berlin với cái giá khá oke, trong một khu dân cư yên tĩnh. Gần đó là một cái sân chơi chung mà chiều nào chúng tôi cũng thấy mấy thanh niên hippie hay hiphop già trẻ đủ cả, tụ tập ở đó nghe nhạc, uống beers, hút thuốc và chơi bóng bàn. Những khuôn viên chung ở Berlin thường hay có những bàn bóng bàn ngoài trời như vậy. Ở cùng phòng dorm với chúng tôi là một cậu sinh viên người Ý hôm nào cũng đi quẩy club từ tối cho tới sáng sớm mới mò mẫm về phòng và ngủ nốt cả ngày còn lại. Những lúc ngồi ăn trong phòng bếp chung của hostel, chúng tôi gặp một chị người Nhật có gương mặt hotgirl nhưng lại rất cởi mở, hào hứng khoe với chúng tôi một vài từ tiếng Việt mà chị học mót được trong đợt đi du lịch Việt Nam. Một cậu Ấn Độ hay bám theo tán tỉnh chị người Nhật và thi thoảng quay ra hỏi tôi mấy câu ngốc nghếch kiểu như “So…people always get married too young in your country rite? (với một giọng điệu kiểu như tao đến từ một đất nước không bao giờ có chuyện kết hôn sớm). Tôi vừa rửa cái đĩa mới ăn xong vừa bật cười: “There are people getting married too young everywhere on Earth, even in India the country famous for the movie “The 8-year-old bride”, rite?”

Một buổi tối tụ tập ăn và nghe nhạc trong phòng bếp, hai đứa tôi gặp thêm một tiểu đội các cậu bạn đến từ Mỹ La Tinh, Paragoay, Urugoay và Chile. Lần đầu tiên chúng tôi tiếp xúc với những người bạn đến từ những đất nước đó. Họ có phong thái rắn rỏi, khỏe khoắn và cởi mở, tiếng Anh khá nặng ngữ điệu địa phương nhưng họ giao tiếp tự tin và đầy năng lượng, một điểm khiến tôi rất thích. Trong những chuyến đi đa quốc gia như thế này, việc gặp được nhiều người thú vị là tất nhiên và việc gặp được cả mấy ông dở hơi cũng không phải là hiếm có. Cũng trong cái đêm ngồi rất đông ở phòng sinh hoạt chung đó, chúng tôi bắt gặp một ông người Anh hợm hĩnh, luôn tỏ ra biết tuốt mọi thứ và dường như cho rằng biết về Trung Quốc nghĩa là biết mọi thứ về Châu Á, cái luận điệu khiến tôi kinh khủng khó chịu, may mà cậu Paragoay nháy mắt ra hiệu kiểu “Lão dở hơi bỏ qua đi”, tôi mới đỡ cáu kỉnh và quay ngoắt đi không thèm để tâm. Tất nhiên, cái gã kiêu ngạo và tỏ ra khinh khỉnh khi chúng tôi giới thiệu đến từ Việt Nam đó cũng không có đặc quyền được nằm trong tầm mắt tôi quá lâu, nhưng tôi vẫn cất đi cho mình như một trong những câu chuyện đủ màu sắc, dư vị trong cả một hành trình dài.

….

Nhưng sau tất cả, những gì tôi mang theo từ Berlin là những kỉ niệm đẹp và hằn sâu kì lạ, dù chỉ ở Berlin trong thời gian ngắn ngủi: một kí ức vô thanh về Căn Phòng Im Lặng, những biểu tượng lịch sử thời đại và một cuốn sách tiếng Anh mà tôi được tặng lại từ hostel Lette’m Sleep Berlin như một món quà lưu niệm, một món quà Berlin về câu chuyện tình xuyên lục địa…

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here