minvitamoon-blog-chau au-praha-sec
Cầu Charles và lâu đài Praha phía xa

Đối với tôi, Praha giống như một cô gái thuần túy Âu Châu với tất cả những nét đặc trưng của một thời kì Châu Âu trung cổ, nhưng lại là một cô gái đẹp cổ điển và tinh tế, đầy những nét phương Tây táo bạo, quyến rũ những vẫn hết sức mềm mại và nhiều góc khuất e ấp, như thể còn ẩn chứa nhiều vẻ đẹp bí ẩn trong tâm hồn.


Một buổi sáng sớm se mát, chúng tôi rời Frankfurt để không lỡ hẹn với trái tim Cộng Hòa Séc – Thủ đô Praha xinh đẹp.

Thông qua website GoEuro mà sau đã trở nên quá quen thuộc trong cả hành trình Châu Âu của hai đứa tôi, chúng tôi đặt mua hai vé xe bus của hãng Flixbus với giá 25Eur/vé, đi thông trong vòng sáu tiếng từ Frankfurt sang thẳng Praha (Prague). Hai hãng xe bus đi xuyên Châu Âu phổ biến và có giá hợp lý nhất là Euroline và Flixbus. Euroline có thể sẽ rẻ hơn một chút tầm 20-23Eur/vé. Nhưng vì sự hợp lí với thời gian và lịch trình khi đó, hai đứa tôi chọn Flixbus, và leo lên hẳn tầng hai ngồi. Những xe bus đi đường dài ở Châu Âu thường phổ biến với xe bus hai tầng nhưng nhìn dáng xe thiết kễ vẫn rất gọn gàng, linh hoạt.

Sau sáu tiếng cố thủ trên bus với một đống chips khoai tây, hoa quả tươi và thịt hun khói mua sẵn, hai đứa tôi đã thấy mình đứng giữa bến xe Florence của Praha. Đang tính gọi uber cho rẻ thì một anh taxi người Séc thò qua cửa kính, huýt sáo nháy mắt với chúng tôi. Sẵn mỏi mệt và muốn nhanh nhanh về tới hostel, hai đứa leo tót lên con xe năm chỗ trông có vẻ bụi bặm của anh. Anh lái xe trông ăn chơi và trẻ trung, năng nổ bắt chuyện với chúng tôi và tự do mở nhạc hiphop chất ngầu. Hai đứa tôi khoái trá gật gù theo beat nhạc đầy phấn khích, lắc lư khen anh lái xe có gu nhạc chất. Nhưng chỉ vài giây sau, chúng tôi nhận ra, anh không chỉ có gu nhạc chất mà còn sở hữu phong cách lái xe bắt beat, ngầu xị và dọa người như Fast and Furious vậy. Đường phố Praha cổ kính, không quá to và còn có đôi chỗ góc khuất lắt léo, nhưng anh xế người Séc lái freestyle như thể chốn không người trên đường cao tốc. Đoạn đường từ bến xe tới hostel không quá xa vì cùng nằm trong trung tâm, nhưng hai đứa tôi cũng được phen người, xe và tim cùng nhảy theo beat nhạc xập xình mở ầm ĩ. Sau khi lấy hành lý giúp chúng tôi, anh lái xe không quên chào từ biệt bằng một cái nháy mắt y như lúc mời chào lên xe kèm theo cái giá 300Kr cắt cố (tương đương 300,000vnđ). Bình thường đoạn đường ngắn trong trung tâm như vậy chỉ tối khoản hơn 100Kr chút là kịch. Hai đứa được luôn một vố tốn kém. Nhưng cũng được luôn một phen đua tốc độ trong tiếng nhạc hiphop điên cuồng, giữa những đường phố Praha cổ kính! =)

Tất nhiên, đó chỉ là một khoảnh khắc điên rồ ban đầu, thi thoảng xảy ra khi ta mới gặp gỡ một nơi lần đầu tiên, cái điều mà chúng tôi luôn học cách chấp nhận khi đi du lịch tứ xứ dài ngày.

Toàn bộ thời gian còn lại, Praha đã thực sự quyến rũ chúng tôi bằng một vẻ đẹp cổ điển, mềm mại mà vẫn sắc nét, đậm đà phong cách riêng biệt, với những con đường nhỏ lát đá thạch anh xanh bóng, hai bên là những ngôi nhà nhỏ nhắn, thiết kế đậm chất Bohemian và phong cách Gothic, đều đặn xếp cạnh nhau thành những dãy phố vừa xinh xắn, vừa cổ kính. Cây cầu Charles, lâu đài Praha, những quảng trường rộng đầy gió thổi tràn qua các tượng đài cổ, những ngọn tháp, nhà thờ…tất cả đều hài hòa và nhuần nhuyễn trong một tổng thể kiến trúc đặc trưng Châu Âu, kết hợp hoàn hảo cùng những con đường đá, những ngọn đèn cũ dọc vỉa hè nhỏ và những tòa nhà nhuốm màu lịch sử. Có vẻ như mỗi góc phố, mỗi ngóc ngách chợt hiện của Praha đều có quyền được coi là một bức tranh nghệ thuật với bố cục hoàn hảo và màu sắc ấn tượng, đôi khi được phủ thêm sắc tương phản của ánh mặt trời chiều muộn hoặc được đánh bóng những mảng sáng tối bởi những góc khuất hoặc ánh đèn đường.

minvitamoon-blog-chau au-praha-sec
Những hình khối kiến trúc sáng tối trong sắc nắng muộn
minvitamoon-blog-chau au-praha-sec
Church of Our Lady before Týn – Nhà thờ phong cách Gothic ở trung tâm Praha

Đi dạo giữa những con phố ở Praha, quận Praha 1, người ta có thể, bất kì lúc nào, từ một quảng trường đông đúc đầy  người qua lại giữa những nghệ sĩ âm nhạc và ảo thuật đường phố hoặc từ một con đường nhộn nhịp những nhà hàng, quán café rực rỡ sắc màu, lại lạc lối ngay vào một con ngõ nhỏ vắng vẻ đầy gió hay một góc vỉa hè tĩnh lặng với những bậc thềm cũ kĩ, bình yên, để tìm cho mình một trốn dừng chân tĩnh tại, ngay giữa trung tâm Praha phồn hoa.

Đã có những lúc, giữa khi đương đi dạo trong những con ngõ vắng ấy, tôi bỗng có cảm giác như chính xác là mình đang đi lại trên những con đường trong kinh thành  của các vua chúa Châu Âu thời trung cổ, có tiếng những cỗ xe và vó ngựa kĩ sĩ gõ nhịp đều đều, vang vọng trên những hàng đá thạch anh bóng láng lát dưới lòng đường, những con đường dường như đều dẫn tới những tòa lâu đài cổ xưa.

minvitamoon-blog-chau au-praha-sec
Một góc phố Praha cổ kính, tĩnh lặng

Những ngày ở Praha, chúng tôi làm quen với hai cậu bạn làm IT người Morocco, có vẻ bên ngoài hầm hố như “khủng bố” nhưng lại hiền khô và cực kì yêu nước=) Hai cậu dành hàng giờ để kể tả về những đặc trưng văn hóa, những món ăn và điệu nhảy truyền thống ở nước cậu. Một buổi tối trong phòng hostel, các cậu còn tự tạo beat trống bằng bàn và ghế, hát hò và dạy tôi nhảy đến mệt phờ. Tôi hi vọng một dịp nào đó sẽ tới Morocco chơi và gặp lại hai cậu bạn hiền lành đó.

Ở hostel, chúng tôi còn kết bạn với  hai cậu sinh viên người Đan Mạch, rất thông minh, cá tính và hết sức cởi mở. Buổi tối, bốn đứa mua beers trong những quầy hàng, phần đông những quầy hàng thực phẩm 24h ở trung tâm Praha là của người Việt, rồi cùng nhau vừa đi dạo vừa uống beers trò chuyện. Chúng tôi gọi đó là beer-walking. Bốn đứa nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, văn hóa lịch sử, đặc trưng mỗi đất nước cho tới cả mấy chuyện về thiên văn, vũ trụ mà hai cậu Đan Mạch tỏ ra rất thông thái. Hai cậu bạn Đan Mạch này vui tính và khiêm nhường, với những suy nghĩ hết sức độc đáo, cởi mở. Ở các cậu toát lên một thần thái tự tin và tự do không chút rào cản. Các cậu trông giống như những con người xã hội chủ nghĩa lí tưởng trong những giấc mơ của Karl Marx vậy. Toobias, một trong hai cậu bảo với chúng tôi, chân thành một cách hài hước: “Người Đan Mạch bọn tạo yêu quí tất cả mọi người. Chả biết ghét ai cả”. Các cậu kể, bọn tao khoái đi học Đại học lắm, vì sinh viên được trả lương và trợ cấp cho mọi khoản chi phí ở Đan Mạch. Tất nhiên, vì phúc lợi xã hội quá cao như vậy thì các chi phí và thuế mà ở mấy đất nước như Đan Mạch, Thụy Điển cũng cao hơn các nước Châu Âu khác rất nhiều.

Sau buổi tối cùng nhau đi quẩy ở Five Stories Club – một club lớn nhất Châu Âu mà thấy có vẻ như không có gì quá đặc sắc, bốn đứa tôi hẹn nhau hôm sau phải đi bằng được cái thứ nổi tiếng bậc nhất trong cuộc sống giải trí về đêm của Praha: Strip Club – Club thoát y.

Tối hôm sau, sau khi thử mấy trò vui ở một casino lấp lánh, nhộn nhịp gần Quảng trường Con Ngựa, hai đứa tôi dẫn hai cậu Đan Mạch vào một Strip Club free vé vào cửa cho cánh đàn ông. Riêng phụ nữa vào strip club thì phải mua vé qua cửa. Đây là một điều phổ biến ở hầu hết các strip club ở Praha. Tất nhiên rồi, strip club là nơi trình diễn của những vũ nữ thoát y mà.

Vào tới trong lòng club, bốn đứa tôi bị choáng ngợp bởi thứ âm nhạc dồn dập, chất ngầu và ánh sáng loang loáng, đầy mê hoặc. Nhờ hai cậu Đan Mạch tự tin mặt dày và có chút may mắn nữa, bốn thanh niên chỉ đủ tiền gọi đồ uống giá rẻ để đứng xem biểu diễn thoát y từ tầng hai như chúng tôi lại được mời vào ngồi cùng bàn “ăn chơi” của mấy bác thượng lưu phóng khoáng, để được xem trình diễn đã đời từ một cự ly gần sát sân khấu với những nữ dancers chuyên nghiệp, nóng bỏng đập ngay vào mắt. Tôi sẽ không kể quá chi tiết về trải nghiệm đi strip club đầy phấn khích này, vì một nguyên tắc của những strip club ở Praha là không quay phim, chụp ảnh và không cố gắng miêu tả chi tiết những hình ảnh. Chỉ biết rằng, đó là một trải nghiệm chất chơi không thể nào quên của hai đứa tôi ở một thành phố Praha xinh đẹp, cổ kính vào ban ngày và trở nên sôi động, nóng bỏng vào ban đêm với đủ các loại hình giải trí đã đời, được công khai hợp pháp hóa.

Một trải nghiệm không thể quên khác ở Praha nói riêng và cộng hòa Séc nói chung của hai đứa tôi, thì phải kể đến cái món bia đen huyền thoại. Đất nước Tiệp không chỉ nổi tiếng với những cô gái đẹp được mệnh danh hàng top của Châu Âu, mà còn được biết đến bởi những loại bia truyền thống danh bất hư truyền. Trong các loại bia Tiệp đã thử qua, hai đứa tôi vẫn khoái khẩu nhất món bia đen. Bia đen Tiệp có nồng độ cồn nhẹ và êm, vị men đằm mà không say, uống vào thấy thơm ngọt và ngầy ngậy như vẫn còn dư vị nguyên chất của lúa mạch ủ kĩ.

Tôi cũng sẽ không thể quên, một buổi chiều nọ ở Praha, anh và tôi cuốc bộ hơn bảy cây số từ bên này cầu sang bên kia cầu Charles để rồi thấy mình lạc vào một quán café tí hon, nằm yên tĩnh trong một khu dân cư thanh sạch, vắng vẻ. Chỉ có duy nhất hai, ba bộ bàn ghế gỗ mộc kê bên ngoài cái sân con con trước cửa quán. Một cô gái pha chế người Séc với nụ cười mỉm dìu dịu, thoáng ngại ngùng. Ở quán café đó, chúng tôi làm quen trò chuyện cùng với một bà người Séc đã lớn tuổi, với mái tóc đã điểm bạc. Bà chủ động bắt chuyện với chúng tôi. Cả ba người, hai đất nước, hai nền văn hóa, hai thế hệ, hai phong cách, nhưng lại cùng chia sẻ biết bao nhiêu quan điểm và suy nghĩ về cuộc sống, gia đình và thậm chí về cả một vài câu chuyện chính trị, lịch sử, những người nhập cư và nạn phân biệt chủng tộc.

minvitamoon-blog-chau au-praha-sec
Một góc quán cafe nhỏ trong khu dân cư yên tĩnh

Tôi cũng sẽ khó mà quên được hình ảnh những nghệ sĩ đường phố thiên tài ở Praha: một cô gái rất Séc, có mái tóc ngắn màu cam sậm với những giai điệu violin khi dặt dìu, lúc dồn dập; một bác già tóc bạch kim trắng xõa, mặc bộ vét đen, đội mũ chỉnh tề, thổi một khúc saxophone trữ tình lịch lãm; một  ca sĩ da màu với giọng hát jazz thiên phú; một em gái chơi trống, có mái tóc vàng óng, đội chiếc mũ phớt đen, đôi tay hoa lên trong từng phách trống; một anh chàng ảo thuật gia đường phố đẹp trai, có đôi mắt xanh biếc, đôi tay bàn tay tài hoa và gương mặt hài hước, nhí nhảnh…

Tôi cũng sẽ nhớ mãi cái lần thứ hai chúng tôi quay trở lại Praha, trong cùng chuyến đi Châu Âu đó, và tìm đến ở khu Praha 5 hết sức vắng lặng và trong lành, không hề có bóng dáng khách du lịch như ở Praha 1, được nếm những món ăn chuẩn phong vị Séc trong những nhà hàng chỉ toàn người Séc. Chính hai đứa tôi, ở lần thứ hai quay lại Praha này, sau khi đã đi qua nhiều nước và có một thời gian khá dài sống trong một thị trấn nhỏ ở Séc, cũng đã bắt đầu giao tiếp được bập bẹ, cơ bản tiếng Séc để gọi đồ ăn, mà không cần phải dùng tiếng Anh như lần thứ nhất mới tới Praha nữa. Đó thực sự là một trải nghiệm thú vị. Trong cùng một chuyến đi mà bạn được tới một thành phố những hai lần. Một lần đầu bỡ ngỡ bạn phải giao tiếp bằng tiếng Anh với thành phố đó. Và lần thứ hai quay lại, bạn đã học được chút gì đó để có thể giao tiếp với thành phố đáng yêu đó bằng chính ngôn ngữ của nó.

Đó chính là Praha trong tôi, với tất cả những vẻ đẹp và kỉ niệm mà tôi ghi lại chấm phá, để cất giữ một cách cẩn thận tất cả những kí ức quí giá về những vùng đất mà tôi và anh đã từng đi qua…

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here