minvitamoon-blog-sach-hoang tu be
Hoàng Tử Bé và chú Cáo bé nhỏ mà em kết làm bạn

Tôi sẽ không nhấn mạnh vào những danh xưng kinh điển mà người ta vẫn dùng để mô tả tác phẩm văn học Hoàng Tử Bé – The Little Prince của nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupery. Tôi cũng sẽ không bóc tách ra từng câu chữ, hình ảnh trong tác phẩm để mà liệt kê, tính đếm ra số bài học và ý nghĩa rút ra từ cuốn sách. “Người lớn thật kì quặc. Họ chỉ toàn quan tâm tới những con số”.

Và cũng xin không đề cập tới những lớp lang ngụ ngôn về cuộc chiến tranh ở nước Pháp nói riêng, ở Châu Âu và thế giới nói chung những năm trước 1940, về sự vô nghĩa của những thứ phù phiếm trừu tượng và hành trình kiếm tìm những điều cụ thể mang ý nghĩa thực sự của một người Pháp tha hương… Ý nghĩa ngụ ngôn này có thể là xuất phát điểm của bối cảnh câu chuyện từ gần một thế kỉ trước. Nhưng nó không nhất thiết phải đeo đẳng câu chuyện Hoàng Tử Bé tới tận hôm nay, khi mà, truyện Hoàng Tử Bé ở thời hiện tại này, còn mang đậm hơi thở thời đại và những ý nghĩa nhân văn vượt thời gian hơn chính nó có thể tưởng tượng, giản dị và dịu dàng hơn nhiều…

Ở đây, tôi chỉ nói về cảm nhận: cảm nhận của tôi về Hoàng Tử Bé và những cảm nhận mà tác giả Antoine, thông qua chuyến du hành của cậu hoàng tử nhỏ, đã trao cho những độc giả thực sự lắng nghe sự kì diệu giản đơn của câu chuyện.

Vô tình lướt qua nhiều bài bình luận và ý kiến trên mạng về cuốn sách, tôi bắt gặp những bài bình phẩm liệt kê bằng số đếm các bài học phải rút ra từ câu chuyện (như một phép tính cưỡng ép), hoặc những bài review cắt xẻo và trích dẫn ra hàng loạt những câu nói, hình ảnh trong truyện theo kiểu bày biện cưỡi ngựa xem hoa (như thể một bảo tàng trưng bày hàng loạt những mẫu vật không hề có sức sống), hoặc là những những phiên bản đánh giá ý nghĩa câu chuyện một cách cóp nhặt và sao chép.

Tôi cũng bắt gặp những ý kiến ca ngợi lặp lại giống hệt nhau bắt đầu bằng những cái danh xưng mỹ miều được nhai đi nhai lại “một tác phẩm kinh điển”, “tác phẩm văn học sống mãi” hay “một trong những tiểu thuyết Pháp hay nhất thể kỉ XX”.

Những danh xưng ấy chẳng hề sai, và tác phẩm vốn xứng đáng với bất kì một trong những tên gọi như thế. Những đấy không phải là thứ trọng yếu làm nên câu chuyện. Chính nhân vật chú cáo trong tác phẩm cũng đã nói với Hoàng Tử Bé: “what is essential is not visible to the eye” – những điều cốt lõi lại chẳng thể nhìn thấy được bằng mắt, phải cảm chúng bằng trái tim.

Phông nền chung của toàn bộ tác phẩm, đơn giản như chính cái cảm xúc của tác giả khi viết câu chuyện, đó là sự cô đơn và cuộc kiếm tìm.

Cô đơn vì chưa có người thực sự đồng điệu với mình và đồng điệu với ý nghĩa cuộc sống. Và vậy nên phải ra đi kiếm tìm, kiếm tìm một tâm hồn biết cảm nhận và một tư duy rộng mở, ở đâu đó trong vũ trụ này (the search for sensitivity and open-mindedness). Hành trình du ngoạn qua các tinh cầu của Hoàng Tử Bé chính là đại diện cho cuộc kiếm tìm đó.

Chính trong cuộc kiếm tìm đó, Hoàng Tử Bé được khám phá và cảm nhận những thế giới rộng lớn hơn,…

… để càng thấy rằng mình còn nhỏ bé hơn cả mình đã từng tự biết, dù em đã luôn ý thức một điều “Ở chỗ tôi nhỏ lắm”, và cái tinh cầu quê hương của em với một bông hoa hồng và ba ngọn núi lửa tí hon cũng thật bé nhỏ làm sao.

Hoàng Tử Bé đã sững sờ kinh ngạc khi lạc vào một vườn hoa hồng trên Trái Đất. Tất cả đều giống hệt bông hoa hồng trên tinh cầu của em mà em đã tưởng rằng nàng là duy nhất trong cả vũ trụ bao la. Và em cảm thấy đau khổ. “Rồi em lại tự bảo: “Ta tưởng ta đã giàu lắm với một đoá hoa duy nhất. Cái đó cộng với ba quả núi lửa cao ngang đầu gối cuả ta, mà một quả, có lẽ, đã tắt mãi mãi, cái đó chẳng làm cho ta thành một ông hoàng lớn lắm đâu”. Và, nằm dài trong cỏ, em khóc.”

Khi người ta tự phá vỡ những giới hạn, bước ra khỏi vùng an toàn chập hẹp của mình để được nhìn thấy những điều mới mẻ quá sức tưởng tượng, thì người ta sẽ hoặc vỡ òa hạnh phúc, hoặc vỡ òa đau khổ. Nhưng sau tất cả, người ta sẽ thấy ý nghĩa và trưởng thành.

Chính trong hành trình khám phá và cảm nhận những thế giới bên ngoài rộng lớn, Hoàng Tử Bé lại được khám phá và cảm nhận chính thế giới nội tại bên trong mình,…

… để nhận ra được ý nghĩa của những điều nhỏ bé ở nơi mình đã thuộc về, để biết trân trọng đóa hoa hồng duy nhất trên tinh cầu tí hon của mình. Sau khi kết bạn với chú cáo và được chú chia sẻ những cảm nhận, Hoàng Tử Bé đã trở lại thăm những bông hồng:

“ Các cô chẳng giống chút nào với đoá hồng của tôi, các cô chưa là gì cả. Chưa ai cảm hoá các cô, các cô cũng chưa cảm hoá ai. Các cô giống như chú cáo của tôi trước kia. Chú chỉ là một chú cáo giống như trăm nghìn chú cáo khác. Song tôi đã làm cho chú trở thành bạn tôi, và bây giờ chú trở nên duy nhất trên đời.”

“Các cô đẹp, nhưng các cô trống rỗng… Phải, đoá hồng của tôi, tưởng là nàng giống các cô. Nhưng đối với tôi thì nàng quan trọng hơn tất cả các cô, bởi vì chính là nàng mà tay tôi đã tưới. Bởi vì chính là nàng mà tôi đã đặt dưới bầu kính…. Bởi vì chính là nàng mà tôi đã ngồi nghe than thở, hay tán hươu tán vượn, hay đôi khi cả lặng im nữa. Bởi vì đó là đoá hồng của tôi.”

Vậy là, cũng chính trong cuộc kiếm tìm đâu đó trong thế giới bên ngoài, một tâm hồn biết cảm nhận và một tư duy rộng mở, Hoàng Tử Bé cũng đã khám phá ra chính thế giới bên trong mình: một tâm hồn mình cũng cần phải được nuôi dưỡng những cảm nhận và một tư duy mình cũng cần được vun tưới cho lớn lên, cho rộng mở thêm. Đó đồng thời cũng là sự khám phá nội tại chính mình của tác giả, khi ông được gặp gỡ và hiểu hơn về hành trình khám phá của Hoàng Tử Bé.

Đó cũng có thể coi là một trong những thông điệp chủ đạo mà tác giả muốn sẻ chia với những người đồng điệu:

Hãy tưới tắm, nuôi dưỡng những cảm nhận tâm hồn và luôn giữ cho tư duy mình rộng mở, không giới hạn. Bởi vì, thực ra, ai cũng được sinh ra với bản năng cảm nhận và khám phá. Chúng mất dần khi người ta lớn.

Đó là lí do tại sao, trẻ con thường nhạy cảm, đầy trí tưởng tượng và ham muốn khám phá những điều kì diệu, trong khi phần đông người lớn luôn khô khan, không thể sáng tạo và chỉ quan tâm tới những con số.

Một tâm hồn biết cảm nhận và một tư duy luôn rộng mở sẽ khiến con người sống đầy đặn, đa giá trị và có ý nghĩa hơn. Một cuộc sống ý nghĩa, đa giá trị như thế sẽ khiến người ta hạnh phúc và cân bằng.

Để phát triển cảm nhận và mở rộng tư duy, người ta cần thực sự đi khám phá thế giới. Bởi vì, hành trình khám phá thế giới bên ngoài sẽ dẫn tới một hành trình khám phá nội tại, khám phá thế giới sâu thẳm bên trong chính bản thân mình.

Và cũng hãy nhớ rằng, bên trong mỗi con người, đều có một Hoàng Tử Bé. Đó chính là phần tâm hồn nhạy cảm đầy những đam mê, mong manh dần khi người ta lớn lên…Để rồi, một ngày kia, người ta bỏ quên nó trên một tinh cầu nhỏ bé, xa xôi…

Nhìn chung, Hoàng Tử Bé sẽ là một cuốn sách giàu cảm xúc và sáng tạo, đầy tâm tình và đồng điệu với trẻ em.

Đối với những trẻ em thực sự nhạy cảm và sớm hiểu được các tầng ý nghĩa, cuốn sách sẽ là một người bạn sâu sắc và già dặn, nói vui thì giống như triết học thiếu nhi 🙂

Đối với những người lớn có tâm hồn, cuốn sách cũng sẽ là một người bạn sâu sắc, thú vị nhưng cũng thật hồn nhiên, trong sáng, khiến bạn lúc mỉm cười, khi tư lự.

Đối với phần đông người lớn bình thường, khô khan như vẫn được đặc tả trong truyện, thì cuốn sách sẽ có phần khó hiểu, hoặc ngô nghê 🙂

Nhưng ai đã yêu quí Hoàng Tử Bé, thì sẽ nhớ mãi cậu bé tóc vàng bé nhỏ, đến từ một tinh cầu cũng chẳng lớn hơn cậu là bao, mặc dù cuốn sách kể về cậu cũng thật nhỏ bé và chẳng tốn bao nhiêu thời gian đọc của ta…

Tìm đọc Hoàng Tử Bé sách chuẩn tại Tiki Sách Bản Đẹp nhé!

Còn đây là những cuốn sách sâu sắc khác mà có thể bạn cũng yêu thích như mình:

Đọc Và Hiểu Suối Nguồn Của Ayn Rand

Sapiens: Lược Sử Loài Người Của Yuval Noah Harari – Review Và Tổng Kết

Cuộc Cách mạng Một-Cọng-Rơm – Làm Nông Vô Vi Hay Lão Tử Thực Hành

3 COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here