Trong bài viết này, mình sẽ trình bày thật súc tích về hai tập sách The Drifters – Sáu Người Đi Khắp Thế Gian thông qua những tổng kết Ưu Điểm và Nhược Điểm của cuốn tiểu thuyết giang hồ thượng hạng thập niên 60-70 này. Qua đó, các bạn có thể đúc rút ra cho riêng mình một cái nhìn toàn diện và biện chứng, kể cả trước hay sau khi đọc cuốn sách.
Ưu Điểm
1/ Phản ánh chân thực một thời đại, lối sống, phong cách, suy nghĩ… của các thanh niên Âu-Mỹ những thập niên 60-70
2/ Khái quát được sự khác biệt thế hệ luôn song hành trong các thời đại, và sự giao thoa tư tưởng thế hệ là điều hiếm thấy nhưng vẫn có thể xảy ra nếu cả hai thế hệ ngồi lại với nhau cùng những suy nghĩ, cái nhìn khoan dung và biện chứng (Quyển 2 trang 284)
3/ Kể được một hiện tượng mà sẽ ngày càng phổ quát theo sự phát triển hiện đại: Cuộc “thập tự chinh”, chuyến “hành hương” đi tìm những giá trị mới, những ý nghĩa sống của thế hệ trẻ tiến bộ; mặc dù với mỗi “người trẻ hành hương” khác nhau sẽ tìm được những hướng đi, những lựa chọn, những kết cục rất khác nhau, tích cực hay tiêu cực.
4/ Nhấn mạnh được khả năng cảm nhận, cảm thụ âm nhạc, nghệ thuật là một phần rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển con người cá nhân. Đồng thời cũng nhấn mạnh sự Tự do cá nhân.
5/ Kể về những khúc ballad dân ca Anh-Scottland rất giá trị, tổng kết trong các bản Child đếm số. Tiêu biểu như khúc hát về chàng hải cẩu The Great Silkie of Sule Skerrie – Child 113; khúc hát về nàng Mary bạc mệnh Mary Hamilton – Child 173; khúc hát về chàng huân tước Lord Rendal bị người yêu đầu độc Child 12; khúc The Sweet Trinity – The Golden Vanity Child 286 về chàng thủy thủ bị lợi dụng và phản bội… (Nên thử nghe trong khi đọc sách để cảm nhận trọn vẹn những mô tả âm nhạc của tác giả)
6/ Gợi ra được hình mẫu thanh niên cấp tiến lý tưởng, phá cách bằng chất riêng thực sự là phải như thế nào: Theo đuổi những giá trị mới, kiếm tìm bản thân trong suốt những hành trình đó đây; loại bỏ những giá trị cũ lạc hậu nhưng không phủ nhận sạch trơn những giá trị truyền thống có tình xây dựng; để cuối cùng tìm ra được bản thể nguyên vẹn của mình với những đam mê, công việc có ý nghĩa, có giá trị, trong một sự cân bằng trọn vẹn – một sự xâu chuỗi, thống nhất các giá trị gốc và giá trị mới tìm được, đạt được tính toàn vẹn “integrity” như trong “Suối Nguồn” của Ayn Rand
7/ Đúc kết ra một vài câu nói, trích dẫn khá hay và hữu ích:
-Bởi vì ta thực sự lạc lõng, lạc lối, lạc loài
Và chính trong sự lẻ lỏi, ta tìm thấy chính ta (Quyển 2 trang 229-230)
-Người khờ dại thì phiêu dạt, người khôn ngoan thì phiêu du (A fool wanders, a wise man travels or Travel makes a wise man better, a fool worse – Thomas Fuller) (Quyển 2 Trang 228)
-Tuổi trẻ là chân lý (Quyển 2 Trang 430)
-58 năm kinh nghiệm của thế hệ cũ lạc hậu = 1 năm kinh nghiệm lặp đi lặp lại 58 lần
….
Nhược điểm:
1/ Các sự kiện lịch sử, chính trị, âm nhạc…không còn mang tính thời sự nên cả câu chuyện không có khả năng tồn tại xuyên thời gian một cách hấp dẫn toàn vẹn như những năm đầu mới xuất bản hồi 1971
2/ Nhiều câu chuyện, tình tiết, nhân vật bị kể lể quá rườm rà, lâu la, không có trọng tâm; đôi lúc tạo cảm giác lẩm cẩm (tất nhiên cũng một phần do ảnh hưởng của bản dịch từ Anh ra Việt)
3/ Câu chuyện đi lại của các bạn trẻ có vẻ dài dòng nhưng thực chất số địa điểm đi được không hề nhiều, chỉ mới quanh quẩn ở 2 nước Châu Âu, 2 nước Châu Phi và những bối cảnh chung của hai châu lục đó, kèm theo tình hình nước Mỹ (vì có 4 nhân vật người Mỹ). Do đó, câu chuyện lang thang vẫn mang tính cục bộ, và vì vậy, “The Drifters” nên được dịch tên là “Cuộc Thập Tự Chinh Của 6 Người Trẻ” hoặc Những Kẻ “Hành Hương” thay vì “Sáu Người Đi Khắp Thế Gian”
4/ Các nhân vật hiện lên trong nhiều tình tiết nhưng mới chỉ được xây dựng trong nhưng hoàn cảnh, tình huống khách quan; thiếu hụt phần diễn biến nội tâm sâu sắc
5/ Các cuộc hội thoại, trao đổi giữa các nhân vật chính và phụ tuy được kể tới rất nhiều nhưng không có nhiều cuộc hội thoại thực sự chất lượng với những quan điểm mấu chốt và súc tích. Nhiều khi nó tạo cảm giác là tất cả các nhân vật đều thi nhau ném vào một mớ quan điểm lộn xộn và những kết luận không chủ chốt ( tất nhiên vì tính chất câu chuyện chỉ kể theo kiểu quan sát khách quan và đồng thời, những nhân vật chính lại là những bạn trẻ độ tuổi 17-18 còn quá mông lung, chưa đủ sâu sắc và vẫn còn đang đi kiếm tìm)
Duy có hai nhân vật Joe và Gretchen là hiện lên tương đối đồng nhất, sáng rõ và có xu hướng tương lai tích cực.
Gretchen: “ Thực ra, em cảm thấy mình hợp với các cô gái thời xưa ấy thực hiện chuyến hành hương tinh thần thực sự hơn là một cô nàng đương thời ngốc nghếch nào đó ở ngoại ô Boston” (Quyển 2 trang 278)
Joe: “Chiến tranh là sai lầm. Một người đứng đắn không thể tham gia được.”
“Ông đang dùng một vốn từ cổ lỗ đấy, ông Holt. Chúng tôi không chấp nhận những định nghĩa mà ông dùng đâu”
“…Ông bị nhồi sọ kiểu gung-ho…”
(Quyển 2 trang 313-314)
Nhìn chung, đây là một câu chuyện người trẻ phiêu lưu chân thực và mang đậm hơi thở thời đại Âu-Mỹ thập niên 60-70; tuy không có khả năng phổ quát và giá trị vượt thời gian, nhưng câu chuyện về những người trẻ dũng cảm đi tìm những giá trị mới, khám phá toàn vẹn chính bản thân mình thì vẫn còn nguyên sự mới mẻ, đầy sức sống và khơi gợi cảm hứng. Bộ sách sẽ là một nguồn tri thức và cảm hứng thú vị dành cho những ai sở hữu cá tính tự do, đam mê phiêu lưu và đặc biệt yêu thích tìm hiểu văn hóa Âu-Mỹ. Nếu đó là khẩu vị của bạn thì hãy tìm đọc trọn bộ The Drifters sách chuẩn Tại Tiki Sách Thật nhé.