Một mùa hè đáng nhớ năm 2017, tôi, lần đầu đặt chân tới Châu Âu, ba tháng.
Một năm sau đó, mùa hè ấy lặp lại, tôi, may mắn được lần thứ hai trong đời gặp gỡ lại xứ trời Âu.
Pháp là nơi tôi quay lại đầu tiên, không lưu lại quá dài, chỉ đơn giản để gặp một người bạn cũ, vài ly espresso và dăm ba câu chuyện ngày mưa Paris. Cậu bạn Nicolas có mái tóc vàng xoăn, học chung với chúng tôi từ hồi năm cuối Đại học ở Ngoại Thương, là một phần kí ức thời sinh viên sôi nổi của hai đứa tôi. Nicolas bây giờ là một nghệ sĩ nhạc kịch ở Paris, vẫn nghèo, vẫn gầy và hút nhiều thuốc lá cuốn, nhưng lòng còn đầy nhiệt huyết và một trái tim vẫn nóng đam mê.
Lần này gặp lại, Paris mưa lạnh và ảm đạm, nhợt nhạt như gương mặt kiều nữ đã bạc màu phấn son mà không buồn trang điểm lại. Tôi thoáng buồn cho Paris, nhưng vui le lói vì gặp lại Nico, để cùng nhau điểm lại vài kí ức xa xôi… Có lần nào tới đây còn quay lại mảnh đất này, tôi sẽ về thăm Lyon quê hương của Nico và xuôi dọc miền Nam nước Pháp…
Từ Paris, chúng tôi đáp chuyến bay giá rẻ sang thủ đô Madrid, Tây Ban Nha.
Đó là một buổi chiều muộn nhưng nắng hãy còn đậm và chói lòa khi chúng tôi đặt chân xuông sân bay Madrid rộng mênh mông.
Phải thú thật, trước khi tới Madrid, hai đứa tôi lại đồn đoán rằng Madrid sẽ có vài phần giống như Rome về cái khoản phương tiện và dịch vụ công cộng, vì trong các nước Châu Âu, thì Ý và Tây Ban Nha vẫn là hai đất nước có cái tiếng xấu về nạn tham nhũng của chính phủ ở thủ đô. Nhưng hóa ra, chúng tôi đã nhầm.
Madrid, tất nhiên, không thể sánh cùng Rome về những công trình kiến trúc lịch sử trác tuyệt hay ẩn chứa những nét Âu Châu trung cổ duyên dáng như Praha hay một vài thủ đô Châu Âu khác. Nhưng Madrid gây ấn tượng mạnh với người lần đầu đặt chân tới bằng vẻ hiện đại đầy sức sống và sự giàu có rất đỗi lịch thiệp.
Từ không gian sân bay rộng mênh mông và sáng bừng những khung tường kính lòa nắng, từ sân ga tàu điện ngầm sạch thoáng cho tới từng chiếc tàu điện nội thất sáng choang mới bóng, từ những đại lộ lộng gió cho tới những tòa nhà hiện đại hay từng góc quảng trường công viên, tất cả đều toát lên một vẻ năng động sôi nổi rất hiếm thấy ở Châu Âu cổ kính. Dường như nơi đây vừa có một cuộc cải cách lớn và Madrid như thể vừa được đầu tư xây mới toàn bộ kiến trúc hạ tầng và hệ thống giao thông công cộng gần đây vậy. Và đó hẳn phải là một cải tổ lớn với một khoản chi phí khổng lồ, mà theo phán đoán của hai đứa tôi thì chủ yếu đến từ thu thuế bóng đá các câu lạc bộ danh tiếng và những cầu thủ ngôi sao của Real Madrid hay Barcelona.
Dẫu sao, Madrid vẫn thực sự khiến tôi bất ngờ và choáng ngợp bởi sức sống mới lạ và một linh hồn cách tân mà nó chứa đựng, so với vẻ cổ kính, cũ kĩ vốn đã luôn ăn sâu vào huyết quản các thành phố ở Châu Âu.
Những ngày ở Madrid, hai đứa tôi ở một hostel kì lạ tên là Cassa Tao. Đón chúng tôi vào hostel là một cô gái cá tính tóc đen xoăn xù, người Marocco nhưng sống ở Madrid đã nhiều năm. Cô nói tiếng Anh dễ nghe, nhưng sau tôi mới phát hiện ra, vốn tiếng Anh của cô chỉ đủ để nói về các vấn đề phòng ốc, check-in và check-out, còn ngôn ngữ chính của cô vẫn là tiếng Tây Ban Nha. Sau nữa, thì tôi phát hiện ra thêm rằng, hai đứa tôi đã rơi trúng vào một ổ Espanol – vây quanh bởi toàn người bản địa và khách du lịch từ những vùng Nam, Trung Mỹ – những người chỉ hoàn toàn nói tiếng Tây Ban Nha, không một chút tiếng Anh, họa hoằn có một hai thanh niên nói tiếng Anh thì cũng chỉ nói rất ít hoặc rất khó nghe.
Vì Tây Ban Nha là ngôn ngữ được nói phổ biến thứ hai thế giới, chỉ sau tiếng Hoa và xếp trên tiếng Anh, nên tất nhiên, phần lớn người dân Tây Ban Nha không có mấy hứng thú để học và nói tiếng Anh.
Cái hostel Cassa Tao mà chúng tôi ở, vô tình lại chính là một cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha thu nhỏ, bao gồm toàn những người đã sống lâu năm ở Madrid và những thanh niên du lịch bụi đến từ mấy nước Nam Mỹ như kiểu Argentina hay Colombia… Cộng đồng nói Espanol này, họ quá tự hào về ngôn ngữ Tây Ban Nha của họ đến nỗi, có một buổi tối, ở phòng khách của hostel đã xảy ra một cuộc tranh cãi nảy lửa về việc tiếng Tây Ban Nha hay tiếng Anh khó hơn. Một cậu gốc Ấn – nằm trong số họa hoằn một, hai thanh niên nói tiếng Anh mà tôi đã đề cập, quả quyết rằng tiếng Tây Ban Nha dễ học hơn tiếng Anh nhiều. Cậu gốc Ấn lập luận liến thoắng hàng tràng lí lẽ bằng một thứ tiếng Anh khá trôi chảy nhưng cực kì nặng ngữ Ấn và khó nghe, như kiểu sắp cắn phải lưỡi. Bật lại cậu là một lô lốc các thanh niên nam nữ và ông già bà cả thuộc cộng đồng người nói tiếng Tây Ban Nha, kéo bè cánh ủng hộ quan điểm tiếng Tây Ban Nha phức tạp hơn tiếng Anh nhiều. Trong hội Espanol đó, có một bà chị mập mạp người Argentina nhưng đã tới sống ở Madrid khá lâu, nói được tiếng Anh khá tốt nên cũng phản đối lại cậu người Ấn hăng tiết nhất, đến mức trẻ con thái quá khiến chúng tôi cứ tức cười mãi.
Đó cũng là một kỉ niệm kì lạ hài hước mà chúng tôi đã trải qua ở cái hostel toàn Espanol ấy.
Những gương mặt, phong cách đủ loại thần thái, kì lạ có, dị nhân có, hay ho thú vị có…mà chúng tôi gặp trong cái hostel ấy cùng đều là những dư vị rất khó quên. Một cặp đôi bạn trẻ người Argentina rất đỗi hồn hậu và chân tình, mặc dù hầu như không nói tiếng Anh, nhưng lại chia sẻ cùng chúng tôi nhiều khoảnh khắc thật thú vị, đáng yêu. Một cậu người Pháp da đen, trông hầm hố như gangster nhưng lại lành khô và có phần ngại ngùng. Một anh da màu đầu trọc người Venezuela, cười nói oang oang và hâm mộ CR7. Một chị béo mập người Argentina và một bác già hói đầu, là bạn thân của nhau và tất nhiên đều ghét CR7 và ủng hộ Messi. Một bác người Bungary vui tính, nói nhiều và thành thạo mười một thứ tiếng, đã sống ở Madrid khá lâu – bác này là một trong số ít những người ở hostel có thể giao tiếp được nhiều với chúng tôi bằng tiếng Anh, và cũng là người duy nhất trong cả hostel hiểu được tất cả mọi người xung quanh đang nói gì, từ tiếng Tây Ban Nha, Anh, Pháp cho tới tiếng Ba Lan, tất nhiên là trừ tiếng Việt của hai đứa tôi rồi. Chưa hết, còn có một vài gương mặt già nua mà tôi cũng không hiểu sao lại sống trong hostel dù họ đều là người bản địa. Một ông già khọm tóc lơ thơ còn vài sợi, ho lên ho xuống. Một bà ngoài trung niên, người gầy đét và nói giọng khàn đặc như đàn ông, khiến cậu người Ấn luôn sợ chết khiếp và cứ thì thào nói sau lưng với hai đứa tôi về chất giọng kì dị của người đàn bà.
Tất cả những nhân vật trong chỗ Cassa Tao này đều buộc tôi phải liên tưởng đến một bộ phim hoạt hình hài hước với đủ các nhân vật hình thù kì dị, đa màu sắc và kích cỡ, to nhỏ vuông méo đủ cả, cao gầy lêu đêu hay tròn xoe un ủn có hết.
Đó cũng là những nhân vật mà hai đứa tôi đã chọn ở lại hostel để xem cùng trận world cup giữa Bồ Đào Nha – Tây Ban Nha, thay vì lóc cóc mò ra sân vận động huyền thoại của Real Santiago Bernabéu để tìm quán sport pub xem cho không khí như kế hoạch ban đầu. Suốt trận đấu, anh da màu đầu trọc cứ mải kháy khẩm chị béo Argentina rằng Tây sẽ thua Bồ sấp mặt. Bác già hói đầu thì cứ săm soi hai đứa tôi xem có định reo hò cổ vũ mỗi khi CR7 ghi bàn hay không, vì đúng là chúng tôi cổ vũ cho Bồ, mặc dù phải tiết chế cảm xúc vì đang ngồi trên đất Tây Ban Nha.
Ngoài cái góc kỉ niệm ngộ nghĩnh, có phần ngớ ngẩn ở chỗ Cassa Tao đó, thì chúng tôi cũng kịp lưu lại nhiều câu chuyện đẹp đẽ, đáng nhớ khác ở đất Madrid.
Một buổi thưởng trà yerba mate truyền thống của người Argentina cùng đôi bạn người Argen hồn nhiên kia (mà tôi tự đặt tên là uống trà tẩu). Luciano và Paula pha trà đắng yerba trong một cái bầu nhỏ có ống dài đề hút, nhìn như tẩu thuốc, gọi là mate, và hướng dẫn hai đứa tôi uống thử. Vị trà yerba đắng tươi và đậm chát, hút nóng qua cái bầu mate nhỏ xinh, tạo một cảm giác lâng lâng rất thú. Mỗi một tuần trà pha trong mate sẽ được cả bốn chúng tôi truyền tay nhau hút chung cho tới cạn. Đây là một đặc trưng cơ bản của văn hóa Argentina. Người Argentina đi đâu cũng mang theo trà yerba mate và cái “tẩu” pha trà. Và cứ bắt gặp ai uống yerba mate thì người Argen tự biết đó là đồng hương.
Một góc Tomato café nhỏ nhắn, yên tĩnh, nằm khuất trong con phố Madrid vắng vẻ. Hai đứa tôi thích uống café ở đó vì độ đậm của từng loại Espresso đều rất chuẩn và hương vị trau chuốt. Anh bạn pha chế café ở Tomato lại rất nhiệt tình giải thích cho chúng tôi tỉ lệ pha chế của từng loại café, đậm nhạt ra sao, hương vị thế nào, sau còn tặng tôi mấy tấm sticker của quán làm kỉ niệm. Đó cũng là nơi hai đứa tôi và cặp bạn Argentina ngồi bi bô đủ thứ chuyện từ thể chế chính trị, văn hóa đến đồng tiền của hai quốc gia. Mặc dù lúc đầu hai bạn hầu như không nói được tiếng Anh. Mà đến lúc đi café cùng nhau, không hiểu sao mọi thứ cứ tuôn ra tự nhiên, trôi chảy, tất nhiên vẫn nhờ đến sự giúp đỡ của google dịch. Nhưng mà thật sự rất vui.
Một buổi trưa hai đứa kéo nhau đi ăn tapas kinh điển của Tây Ban Nha, gọi món tapas trứng tortilla béo ngậy ăn rất vào và một tapas anchovy cá muối đặt trên một bánh crepe giòn phủ blue cheese cực nặng và rất khó ăn cho lần đầu nếm thử. Cũng may có beer đen uống kèm và vì cũng đã quen với nhiều loại cheese khác nhau ở Châu Âu, nên chúng tôi có thể chiến đấu được hết món anchovy rất khó ăn đó cho tới miếng cuối cùng.
Một buổi tối hai đưa tôi cuốc bộ gần chục cây số, băng qua bao nhiêu đại lộ và góc phố Madrid để tới quán bar nhạc jazz Eljungco trứ danh. Quán bắt đầu lên nhạc từ 11h cho tới sáng. Đó là một đêm nhạc jazz live khó quên và chúng tôi được phen đung đưa phiêu nhạc phê pha và nhún nhảy đã đời. Jazz ở đây là một thứ Jazz sôi nổi đầy cá tính đặc trưng và sự quyến rũ đằm thắm của văn hóa latin, tạo cho người nghe một cảm giác mê hoặc nóng bỏng như khi xem những điệu nhảy Latin nhưng lại vẫn tinh tế, lịch lãm đúng chất jazz kinh điển. Band nhạc jazz chơi live tối đó bao gồm bốn nghệ sĩ trẻ vừa quyến rũ lịch thiệp, lại vừa điên điên phá cách, kĩ thuật điêu luyện mà thần thái hết sức hào hoa.
Chuỗi kỉ niệm Madrid khép lại trong chúng tôi bằng một món quà ở đầy tri thức mà hai đứa tôi tình cờ được một anh chàng quản lí thư viện người Tây Ban Nha tặng lại, khi chúng tôi đi ngang qua một góc phố có cái thư viện nhỏ nhắn, nửa chìm dưới mặt đất, nửa nhô lên mặt đường. Đó là một bảng chữ cái của các hệ ngôn ngữ lâu đời trên thế giới, nhìn như bức tranh vẽ với rất nhiều kí tự cổ độc đáo mà tôi chưa từng thấy bao giờ.
Cầm món quà theo mình, tôi cứ nhớ mãi cái anh chàng nhỏ nhắn, đã thân thiện trao bức tranh chữ cho hai người qua đường xa lạ là chúng tôi, chỉ vì thấy chúng tôi có vẻ thích thú với nó. Vậy là chúng tôi lại có một thứ gì đó từ Madrid để mang về, để ghi nhớ về một thành phố vừa hiện đại lại vừa quyến rũ, thật sôi nổi khác biệt giữa một Châu Âu già nua, cổ kính.
Madrid, Tháng 6/2018