minvitamoon-blog-sach-suoi nguon-ayn rand
Suối Nguồn (tên Tiếng Anh: The Fountain Head) của nữ tác gia Ayn Rand

“Suối Nguồn” (The Fountain Head) là một trong những quyển sách tâm đắc nhất tôi từng đọc. Và Ayn Rand, là một trong số ít nữ tác giả xuất sắc nhất tôi từng biết. Những nhân vật lí tưởng trong “Suối Nguồn” của Ayn Rand là một trong số những con người độc đáo  mà tôi thèm khát được gặp gỡ nhất trong đời sống thực.

Từ đầu đến cuối, như một dòng suối tuôn, thống nhất và toàn vẹn, đồng chất và không pha tạp, ngoại trừ những hạt cát, hạt sỏi tự nhiên không thể tránh khỏi của một tiểu thuyết dài, hầu như nguyên vẹn không qua cắt gọt, “Suối Nguồn” hiện lên kì vĩ và sống động, khi sảng khoái lúc oằn mình, nhưng luôn dạt dào đầy sức hút. Đó là một thành tựu đậm đặc cái tôi Ayn Rand, kết tinh từ bao nhiêu tháng năm cuộc đời trải nghiệm, luyện hóa, tích lũy và sáng tạo của bà. Đó là tất cả một sự trải lòng khổng lồ và tỉ mỉ, khi hoan hỉ đã đời, khi quằn quại đau đớn, tuôn ra từ biết bao nhiêu trăn trở và lí tưởng nén dồn, tích tụ.

Sẽ không thể kể lại “Suối Nguồn” thật hay trọn vẹn cho người khác như cách người ta tóm tắt lại một cốt truyện trinh thám li kì hay thuật lại một tình huống truyện vặn xoắn, cao trào. Muốn biết “Suối Nguồn” thì phải tự đọc, muốn hiểu “Suối Nguồn” thì phải đọc sâu, mà muốn thưởng thức “Suối Nguồn” thì có thể đọc đi đọc lại, nhẩn nha từng đoạn tâm đắc, và viết lại đôi điều cho riêng mình.

Tôi thường kể lại những câu chuyện hay mà tôi đọc được cho người bạn tâm giao. Nhưng với “Suối Nguồn”, tôi sẽ chỉ bảo: “Đó là một dòng suối mát, rất mát và đã. Nhưng tôi không thể làm cho bạn hiểu và cảm hết sự mát và đã ấy bằng cách múc một cốc nước suối đó đưa bạn uống. Bạn phải xuống tắm. Như tôi cũng đã tự đắm mình vào nó”. Đó chính là “Suối Nguồn”.

Cuốn tiểu thuyết là cả một công trình kiến trúc đồ sộ và độc đáo về tư tưởng, hệ thống lại toàn bộ quan điểm, lập luận và lí tưởng của Ayn Rand về con người, xã hội, chính trị, nghệ thuật, tôn giáo. Tất cả hệ thống triết học đó lại được chuyển tải nhuần nhuyễn, tự nhiên và mãnh liệt thông qua hình thức một kết cấu truyện hoàn chỉnh những diễn biến, tình huống, những bước ngoặt, nút thắt kịch tính và các tuyến nhân vật được xây dựng công phu, tỉ mỉ, sống động và rành mạch.

Vì vậy, sẽ khó mà cảm nhận được trọn vẹn “Suối Nguồn” bằng cách tinh lọc, đúc rút ra những lí tưởng, quan điểm cơ bản, xuyên suốt như cách người ta thường cố gắng làm đối với những tiểu thuyết dài mang tính triết học và nhiều thông điệp. Không, sẽ không thể cảm nhận được “Suối Nguồn” bằng cái cách mổ xẻ từng đoạn văn, nhặt nhạnh những tuyên bố và rút ra những kết luận. Ayn Rand đã không cố để bày ra tràn lan những quan điểm triết học của bà, mặc dù sẽ có những người đọc có thể hiểu lầm như vậy, như chính tôi đã có lúc nghĩ như thế khi mới bắt đầu đọc. Tất cả tinh hoa, bút lực và tâm huyết của Ayn Rand đặt cả vào việc xây dựng và khắc họa những hình tượng nhân vật đầy chiều sâu. Vì thế, không thể cảm nhận “Suối Nguồn” mà lại không hiểu hết các tuyến nhân vật đặc thù đã làm những bộ khung và trụ cột chắc chắn cho toàn bộ câu chuyện với sức nặng tư tưởng mà nó mang.

Mà để hiểu được các hình tượng nhân vật độc đáo trong “Suối Nguồn”, ta cần gọi ra  được một cái tiêu chuẩn xuyên suốt toàn bộ tư tưởng cuốn tiểu thuyết. Đó chính là cái “integrity” trong bản tiếng Anh gốc mà các dịch giả tiếng Việt đều dùng là “sự chính trực” của mỗi cá nhân con người. Dựa vào toàn bộ tinh thần chung của “Suối Nguồn”, tôi sẽ gọi cái tiêu chuẩn “integrity” đó ra cụ thể là: Cái tôi tự do, thống nhất và toàn vẹn, chính trực. Đó chính là linh hồn gốc của một con người. Cái tôi thực sự đó chỉ có thể được bảo tồn nguyên bản khi người ta sống “vị kỉ thực sự” vì chính bản thân mình; trung thành và chân thật với chính những điều tự thân mình muốn làm để được cảm thấy hạnh phúc thực sự; không vay mượn tư tư duy, phong cách từ ai; không ép mình phải hi sinh vì cái gì hay không trông chờ vào sự đánh giá hay chấp thuận của bất kì người nào khác.

minvitamoon-blog-sach-suoi nguon-ayn rand
Mua Suối Nguồn – The Fountain Head tại Tiki Sách Bản Đẹp

Từ cái tiêu chuẩn thước đo đó, hãy soi vào từng nhân vật thông qua niềm tin, mục đích, cách thức và kết quả trong hành trình sống của chính họ:

(Đối với bạn nào đang lần đầu tìm đọc Suối Nguồn thì có thể chưa đọc vội cái bảng nhân vật này của tôi. Hãy để dành cho tới sau khi bạn tự đọc xong và mình cùng nhau nghiền ngẫm lại từng hình tượng nhân vật nhé!)

Nhân vật Niềm tin Mục đích Cách thức Kết quả
Roak Cái tôi tự do, đồng nhất, chính trực sẽ dẫn tới những thành tựu sáng tạo và hạnh phúc chân chính Đạt được thành tựu sáng tạo tự thân bằng chính cái tôi tự do tối thượng, đồng nhất, bằng cả linh hồn toàn vẹn và chính trực Sống và làm theo đúng cái tôi tự do, đồng nhất, toàn vẹn của mình, không thỏa hiệp , đánh đổi với bất cứ thứ gì phản bội lại điều đó Cái tôi tự do toàn vẹn và thành tựu sáng tạo tự thân
Dominique Cái tôi tự do, đồng nhất, chính trực quá khó để tồn tại, và sẽ bị phá hủy bởi cái xã hội suy đồi hiện tại. Tin rằng muốn “sống” với cái tôi chính trực của mình thì phải “chết” trong cái xã hội đạo đức giả hiện tại Bảo vệ toàn vẹn cái tôi tự do, đồng nhất, chính trực bằng mọi giá, kể cả phải chịu đựng những nỗi đau đớn tinh thần và thể xác, kể cả phải chấp nhận sẽ bị hủy diệt Vì tin rằng cái tôi chính trực sẽ bị hủy diệt bởi xã hội suy đồi nên chọn cách tự hủy diệt cuộc sống, hạnh phúc của chính mình bằng cách cài thể xác mình vào cuộc đời những kẻ thứ sinh như cài bom cảm tử, để hủy diệt chúng và cũng tự hủy diệt mình Cái tôi tự do toàn vẹn và sự chiến thắng cái niềm tin tiêu cực của chính mình
Keating Cái tôi tự do, đồng nhất, chính trực sẽ cản trở đạt được danh vọng trong xã hội Đạt được danh tiếng và sự trọng vọng từ mọi người, từ xã hội Chối bỏ và bán đứng cái tôi tự do, linh hồn và sự chính trực; bằng mọi giá làm hài lòng tất cả và tìm sự đồng thuận của số đông, kể cả phải vay mượn tính cách hay tư duy Mất hoàn toàn cái tôi tự do. Danh vọng đạt được một thời gian rồi biến mất vĩnh viễn. Quá muộn để được làm điều mình muốn
Toohey Cái tôi tự do, đồng nhất, chính trực sẽ cản trở đạt được quyền lực lên xã hội Đoạt được quyền lực kiểm soát mọi con người trong xã hội thông qua “mị dân” tinh thần và “tẩy não” tư duy cái tôi cá nhân; làm lây lan thứ chủ nghĩa tập thể lố bịch, đạo đức giả Xâm nhập và xóa sổ từ từ cái tôi tự do, xúi bẩy và khống chế người khác chối bỏ và bán đứng cái tôi, linh hồn của chính họ Mất hoàn toàn cái tôi tự do. Tước đoạt thành công cái tôi tự do của nhiều người khác nhưng quá tầm thường để có thể tước đoạt được từ những người mang cái tôi tự do tối thượng, toàn vẹn, chính trực và mạnh mẽ
Wynand Cái tôi tự do, đồng nhất, chính trực quá mong manh trong một xã hội suy đồi, không thể tồn tại trần trụi mà cần một lớp vỏ bọc sức mạnh của quyền lực. Tin rằng không thể sống với cái tôi tự do, chính trực công khai trong xã hội đạo đức giả này nên tìm cách giấu nó đi khỏi xã hội hiện tại Tìm được những giá trị sống có ý nghĩa và niềm hạnh phúc viên mãn trong tâm hồn Tạo ra một vỏ bọc “cái tôi thứ sinh” bọc bên ngoài để che chắn cái tôi tự do thực sự; bán cái tôi thứ sinh vỏ bọc cho xã hội để đổi lấy quyền lực. Muốn dùng được quyền lực đó để bảo vệ cái tôi tự do sâu kín và đi tìm được những giá trị hạnh phúc đích thực. Khinh bỉ những kẻ bán đứng linh hồn trong một xã hội đòi hỏi người ta bán đứng linh hồn. Sống công khai với một linh hồn thứ cấp và giấu linh hồn gốc để sống bí mật một mình với nó. Tìm được tình yêu và hạnh phúc le lói nhưng không đủ sức giữ. Nhận ra thứ quyền lực đạt được từ việc bán cái tôi thứ sinh kia không thể giúp ích.

Ngoài việc hiện lên bằng thước đo lí tưởng cái tôi tự do như trên, các nhân vật còn có thể được lột tả thông qua cảm giác khi tiếp xúc họ của những kẻ tầm thường, bán đứng linh hồn mình mà Ayn Rand gọi là những kẻ sống thứ sinh.

Khi tiếp xúc Roak, những kẻ thứ sinh cảm giác như mình không hề tồn tại và bị xúc phạm, thấy căm ghét và đố kị không rõ lí do, muốn đạp đổ ngay cả khi Roak còn chưa có thành tựu nào.

Khi tiếp xúc Dominique, những kẻ thứ sinh cảm giác như mình bị lột trần và nhìn thấu, thấy sợ hãi và hổ thẹn không rõ lí do cụ thể. Những kẻ thứ sinh đàn bà thì người ghen tức, kẻ nể sợ. Những kẻ thứ sinh đàn ông thì hổ thẹn và thèm muốn.

Khi tiếp xúc Peter Keating, những kẻ thứ sinh cảm giác thoải mái và thích thú như gặp một tấm bọt biển khéo léo, dễ dãi thẩm thấu và luồn lách vào mọi thứ xung quanh

Khi tiếp xúc Toohey, những kẻ thứ sinh có cảm giác an toàn, được giúp đỡ và soi đường, chỉ lối hoặc được xưng tội để được hướng dẫn xóa bỏ mọi tội lỗi bằng những việc làm đạo đức giả.

Khi tiếp xúc Wynand, những kẻ thứ sinh có cảm giác bị hạ thấp thê thảm, thấy sợ hãi và hèn mọn không rõ lí do cụ thể, đồng thời cũng thấy căm ghét, đố kị với quyền lực, sự giàu có và vẻ quí tộc hào hoa của một nhà tư bản tài phiệt Wynand, vốn xuất thân tay trắng từ cậu bé ổ chuột xóm liều.

minvitamoon-blog-sach-suoi nguon-ayn rand
Mua Suối Nguồn – The Fountain Head bản Tiếng Anh

Sau tất cả, “Suối Nguồn” thực sự để lại cho tôi nhiều tư vị, về cả cảm xúc và lí trí.

Đó là những tư vị cảm xúc hết sức nhạy cảm và phong phú; khi thì nghẹt thở, dồn dập như đọc cao trào một tiểu thuyết trinh thám bậc thầy li kì; khi thì mềm mại, tuần hoàn như nghe một bản nhạc thiền cùng tần sóng tim, sóng não; khi thấy đau nhói như xem một vở bi kịch mãnh liệt; khi lại mê man, say đắm như đọc một truyện tình đầy khoái cảm và lạc thú độc đáo.

Đó còn là những tư vị lí trí vững chãi và sáng thấu, như cơ thể thông suốt và săn lại sau khi tắm suối mát. Lí trí được bơi lội ngược xuôi trong “Suối Nguồn” trở nên rắn rỏi, dẻo dai, được luyện tập, gia cố và cộng hưởng thêm những giá trị tư duy sắc bén và sâu sắc.

Đó chính là “Suối Nguồn” – cuốn tiểu thuyết tâm huyết vượt thời đại của Ayn Rand, cuốn sách tâm đắc đặc biệt của tôi.

Ngọc Minh – MinVitaMoon

3 COMMENTS

  1. Chào mọi người. Mình có thắc mắc là ở cuối trang, khi có chú thích thì có từ NHĐ – ND có nghĩa là gì vậy. Xin cảm ơn.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here