minvitamoon-blog-chau au-ha lan
Một khúc kênh ở Haarlem - Hà Lan

Nhắc tới Hà Lan, người ta nghĩ ngay tới thủ đô Amsterdam “khói xanh đèn đỏ” cực kì sôi động, ám chỉ những con phố đèn đỏ phô trương nổi tiếng và những quán café hợp pháp hóa việc mua bán cần cỏ ở khắp nơi trong thành phố “ăn chơi” hàng top Châu Âu này.

Hai đứa tôi cũng định sẽ trải nghiệm ở Amsterdam trong những ngày gặp gỡ với đất nước cối xay gió. Nhưng cái duyên đưa đẩy, chúng tôi lạc bước tới Haarlem, một thành phố nhỏ cách trung tâm Amsterdam khoảng hai mươi cây, ở trong một phòng dorm tám giường tầng, có phần hơi đông đúc nhưng sáng sủa và rẻ nhất trong những lựa chọn trên trang booking cho giá phòng ốc du lịch ở Hà Lan.

Đó là một buồi chiều mưa xám lạnh và cái hostel ở Haarlem mà chúng tôi vô tình tìm đến ấy có cái tên Hello, I’m Local. Trước đó, từ sân bay Schiphol-Amsterdam, hai đứa tôi đã bắt một chuyến bus về tới ga chính của Haarlem giữa lúc trời mưa tầm tã, phải chờ tới khi ngớt mưa và những cơn gió Hà Lan lồng lộng bắt đầu thổi se se dọc những con phố nhỏ, hai đứa mới bắt đầu kéo vali cuốc bộ tìm về tới hostel. Đêm ấy, cả hai đứa tôi đều mệt phờ sau những hành trình dài quanh co qua nhiều thành phố và thị trấn trước đó, nên mỗi đứa chỉ kịp tọng một trái đào vào cái ruột trống rỗng rồi lăn quay ra ngủ.

Buổi tối ngày thứ hai ở hostel, chúng tôi kết bạn với một anh người Mỹ tên Eric, mà chúng tôi hay gọi đùa là Eric Mông do tên đầy đủ của anh là Eric Button. Chúng tôi gặp Eric trong phòng dorm, sau bữa tối với bánh mì, cheese, thịt hun khói và quả việt quất mà hai đứa tự chuẩn bị ở phòng bếp chung của hostel. Eric đang loay hoay leo lên cái giường tầng trong bóng tối om om, và ré lên sung sướng khi thấy chúng tôi bước vào bật điện phòng, kiểu: “OMG! They got even light here?!” Hai đứa tôi phì cười. Và chúng tôi thành bạn.

Eric khoảng 30 tuổi, đang theo học tiến sĩ và đến từ vùng đất Aideho “khỉ ho cò gáy” của Mỹ mà anh tự đùa là “middle of nowhere”. Eric cao ngồng, trông hồ hởi tồ tồ và có vẻ rất khoái chúng tôi. Eric gọi chúng tôi là The wing couple (Giống như kiểu the wing man trong phim How I Met Your Mother), và bắt chúng tôi hứa phải “set up” cho anh bằng được với một cô gái Hà Lan nào đó mà chúng tôi sẽ vô tình gặp. Eric bảo “ Rồi tao sẽ cưới một cô vợ Hà Lan cho xem. Phụ nữ Hà Lan thật awesome”

Ngay tối đó, ba chúng tôi rủ nhau ra ngoài đi dạo dọc theo những con kênh đầy gió lộng và lấp loáng ánh vàng từ những ngôi nhà nhỏ xinh và dãy đèn đường.
Loay hoay trên tay tấm bản đồ giấy nhàu nát, Eric xung phong dẫn đường cho chúng tôi vòng vèo đi tới đi lui để tìm một quán pub. Thấy tôi mất kiên nhẫn mở google map trên điện thoại lên, Eric lắc đầu nguầy nguậy: “Bọn mình đừng có phụ thuộc vào cái lũ google map đó được không?!” Thế là ba đứa lại tiếp tục vòng vo đi tới đi lui một hồi, trước khi thực sự tìm được cái quán pub cần tìm. Mà thực ra, dưới sự dẫn đường của Eric, chúng tôi cũng đã không thể tìm ra được cái quán pub định đến ấy. Thay vào đó, ba đứa đã chặn được một cặp đôi người Hà Lan lại để bắt chuyện xí xố và nhờ chỉ điểm cho một quán pub hay ho beer ngon nào đó. Cặp đôi Hà Lan bảo với chúng tôi: “ Mấy chúng mày chọn ở Haarlem này mới là chuẩn chất Hà Lan gốc đấy. Amsterdam chỉ là một mớ hổ lốn. Locals bọn tao không khoái sống ở đó. Chỉ tới đó mỗi sáng để đi làm thôi. Rồi sẽ quay trở về nhà ở những thành phố lân cận, như Haarlem này.”

Đêm đó, ba đứa tôi được thưởng thức những ly bia IPA tuyệt hảo có một không hai ở cái quán pub địa phương mà chúng tôi được chỉ tới. Đó là lần đầu tiên hai đứa tôi được biết tới loại bia IPA này, thông qua sự giải thích tỉ mỉ và “sặc mùi” chuyên gia của Eric. IPA (India Pale Ale) là một dòng bia thủ công cực kì nổi tiếng mà những người sành uống bia ở khắp Châu Âu và Mỹ rất ưa chuộng. Những ly bia IPA mà chúng tôi lần đầu được thưởng thức đó có hương vị thơm mát của hoa quả, vị ngậy bùi của lúa mạch và vị đắng thanh đặc trưng của hoa bia được ủ men theo phương pháp IPA truyền thống. Ba đứa tôi gọi một đĩa bagels và một bát to đựng đầy ắp những miếng cheese Hà Lan lạnh thái vuông để ăn nhâm nhi. Vì rành về bia IPA hơn nên Eric chủ động gọi bia. Anh chàng barteder Hà Lan với gương mặt thông thái mang ra cho chúng tôi sáu ly IPA, kích cỡ “sample” (Là ly kích cỡ nhỏ hơn bình thường để nhấm nháp thử các vị bia, trước khi mình quyết định có nên gọi ly bia khổng lồ cho vị bia này không). Chàng bartender khua tay dẻo như múa, rót ra sáu ly bia đầy, đủ sáu màu và sáu vị, điệu nghệ bày thành một hàng thẳng tắp ra trước mặt chúng tôi. Anh giải thích rằng những ly bia này được sắp xếp theo vị trí có chủ ý và cần được thưởng thức theo đúng thứ tự từ ly số một tới ly số sáu để đảm bảo nồng độ cồn từng ly tăng dần và các mùi vị bia sẽ cộng hưởng, “support” cho nhau, không vị nào làm chìm vị nào. Đó là lần đầu tiên chúng tôi được nhấm nháp những ly bia theo phong cách thưởng thức đặc biệt như thế, bao gồm đủ hết các vị từ hoa quả cho tới vị vani và thậm chí là cả vị café trong một ly bia màu nâu sậm. Những ly bia ngon tuyệt, dịu mát, khiến hai đứa tôi có cảm giác như mình đang uống bia theo đúng cái cách mình thưởng thức café hay nhấm nháp ly trà đầy khoan khoái, chứ không còn là kiểu uống bia nhậu nhẹt, nhồi nhét như người Việt mình vẫn thường gán ghép cho việc uống bia nữa.

Giữa những lúc Eric say sưa giải thích về nghệ thuật bia và công nghệ làm bia, chúng tôi giới thiệu cho anh về café tinh khiết ở Đà Lạt, Việt Nam. Eric nghe như uống lấy từng lời, vì anh vốn ham học hỏi, rất thích nói và cực kì thích hỏi.

Những ly bia tuyệt hảo đã chưa dừng lại ở đó. Quá đêm muộn, ba đứa tôi kéo vào một pub khác nhỏ hơn nhưng lại đông đúc người địa phương hơn nhiều. Eric vừa vào tới cửa quán pub đã oang oang giới thiệu chúng tôi ngay với một anh người Hà Lan: “Hai đứa này đến từ Việt Nam. Ở đất nước chúng nó có công nghệ làm café bá đạo cực kì…”, rồi cứ thế anh tự động khoe khoang hộ chúng tôi về café Việt Nam mà không cần đến sự “cho phép” của chúng tôi, cứ như thể nhà anh là gia truyền café Việt vậy 😀 Sự thật thà, cởi mở, khôi hài và tự nhiên như ruồi ấy của Eric khiến chúng tôi cũng rất khoái anh.

Ba chúng tôi cùng cuốc bộ về hostel trong men bia thơm mát, giữa những cơn gió đêm se lạnh thổi ào ạt vào tóc, vào mặt của một thành phố xứ sở Hà Làn đầy gió và sông nước.

Sáng hôm sau là một ngày nắng lên rực rỡ, nhuộm vàng óng những con kênh, nhánh sông ở Haarlem. Vẫn là một màu nắng thủy tinh trong vắt của xứ Châu Âu ôn đới, nhưng nắng ở Haarlem dường như có phần rực rỡ sức sống hơn và những gương mặt người địa phương nơi đây cũng có vẻ như sáng bừng lên một thứ năng lượng rất cuốn hút, rất Hà Lan.

Người Hà Lan cao to, nhưng không hiểu sao những ngôi nhà họ ở lại nhỏ nhắn với một khoảng kích cỡ đều tăm tắp, trông như những ngôi nhà búp bê đủ màu sắc và họa tiết xếp ngay ngắn dọc những con kênh trong vắt. Haarlem, như bao thành phố khác của Hà Lan, đều ngập tràn gió vi vút và có rất nhiều kênh ngòi. Bất cứ địa điểm nào trong Haarlem, ngoài việc đi xe đạp, lái ô tô hay cuốc bộ tới, thì người Hà Lan đều có thể dùng thuyền chạy ro ro trên các nhánh sông mà đi tới được.

Ba chúng tôi may mắn tới Haarlem lại vào đúng dịp nới đây tổ chức lễ hội thuyền truyền thống “The Boat Festival” một năm một lần. Thế nên buổi sáng hôm ấy, Haarlem không chỉ rực rỡ trong cái nắng gió Hà Lan trong vắt, với những dãy nhà xinh xắn đủ màu sắc và những hàng cây, con kênh xanh mướt mải và một sắc trời biếng biếc xanh lơ, mà còn rực rỡ trong hàng trăm sắc màu của hàng trăm con thuyền từ khắp các vùng Bắc-Nam của Hà Lan tụ họp về trên sông Haarlem. Mỗi con thuyền là một gia đình hoặc một nhóm bạn cùng nhau lênh đênh, tụ tập về khúc sông ở Haarlem, để cùng nhau tiệc tùng, party và chơi nhạc ngay trên sông. Tôi, anh và Eric, ba đứa cứ đứng trên cầu hoặc ven kênh mà há hốc mồm chiếm ngưỡng cả một khúc sông dài phủ đầy sắc màu của những thân thuyền màu gỗ bóng bẩy và những lá cờ rực rỡ đủ màu.

Nhìn thấy cái nhóm một USA cao kều và hai Asian lùn tịt bọn tôi đứng nghệt ven sông ngắm nghía những con thuyền, một bác trung niên người Hà Lan thích thú vẫy vẫy tay gọi bọn tôi xuống thuyền ngồi chơi. Thế là ba đứa tôi hớn hở bước xuống cái thuyền gỗ tròng trành, ngồi nghe bác Hà Lan kể những câu chuyện của các con thuyền. Bác kể, mỗi con thuyền kiểu này, ngoài việc được mang một tên riêng ý nghĩa để định danh theo cách thông thường, thì còn có một “anecdote” đính kèm, tức là một câu chuyện phiếm hay ho gắn liền với con thuyền đó để định danh theo một cách đặc biệt. Ví dụ con thuyền của bác gắn với một câu chuyện vui có thật là: có một lần chiếc thuyền đang bập bềnh giữa biển khơi thì trời bỗng nổi giông gió như muốn kéo tới một cơn bão to, mặt biển dậy sóng dập dềnh. Khi đó mọi người trên thuyền đang làm tiệc BBQ với những xiên xúc xích nướng. Chiếc thuyền chao đảo, một thành viên trên thuyền lỡ tay đánh rơi một xiên xúc xích xuống mặt biển đang nổi sóng. Không hiểu sao sau khoảnh khắc đánh rơi xúc xích đó một lúc, thì biển bỗng dưng tĩnh lại, gió ngừng, biển lặng và con dông hù dọa như tan biến. Mọi người trên thuyền đều thấy thật khó tin và cứ truyền nhau câu chuyện đó mãi cho chiếc thuyền của mình.

Đến lúc lên bờ, bác người Hà Lan còn tặng mỗi đứa chúng tôi một cuốn sách nhỏ về lịch sử và văn hóa tàu thuyền của Hà Lan, tất nhiên toàn bộ được viết bằng tiếng Hà Lan và chúng tôi bảo bác “Không sao đâu bọn tao có thể google translate được :D”

Cả ngày còn lại hôm đó, hai đứa tôi cùng Eric đi dạo khắp cái thị trấn Haarlem xinh xắn, qua những lối đi bộ đầy màu sắc trong trung tâm thị thấn, dọc theo những con kênh mướt nắng, ngang qua những cây cầu nhỏ nhắn vắt qua những khúc sông hay men men theo những con ngõ trong khu dân cư tràn ngập hoa lá và những cơn gió thơm mát… Ở một con ngõ nhỏ yên tĩnh, ba chúng tôi bắt gặp một chị người Hà Lan có gương mặt tươi tắn, dịu dàng và rất cởi mở. Chị mời ngay ba đứa tôi vào nhà chơi, dẫn chúng tôi vào căn phòng nhỏ của chị, ăn bánh ngọt và tám chuyện trên trời dưới đất, chuyện những chuyến đi, chuyện công việc và cuộc sống của người Hà Lan. Trên sàn phòng chị vẫn còn la liệt những túi và balo quần áo của chị sau một chuyến du lịch bụi Nam Mỹ và Châu Phi mới về. Chị dẫn chúng tôi vào phòng của chị bạn roomie và giới thiệu mọi người với nhau như thể tất cả chúng tôi đã là một nhóm bạn quen nhau từ lâu rồi vậy.

Những người địa phương mà chúng tôi gặp ở Haarlem thật dễ gần và thân thiện như vậy đấy.

Đó cũng là lí do tại sao tôi đã phải lòng Haarlem ngay từ cái lần đầu gặp gỡ đó, với những câu chuyện, những con người khó quên kia, ngoại trừ một chuyện khó chịu là tôi bị bọ đốt và dị ứng gió nổi mẩn đầy người trong những ngày ở Haarlem.

Tôi cũng sẽ không quên một cô bạn đáng yêu và cởi mở người Trung Quốc mà tôi gặp ở hostel, khác hẳn với cậu bạn Trung Quốc hơi “cổ hủ” mà tôi gặp ở Praha. Hay một em gái teenager người California yêu thích lịch sử và chính trị, chủ động làm quen với chúng tôi mà ngay sau đó chúng tôi đã có duyên gặp lại ở chuyến đi tiếp theo tới Paris…

Chính những khoảnh khắc và câu chuyện ở thành phố Haarlem đậm chất Hà Lan đó đã tạo nên những kỉ niệm về đất nước cối xay gió trong tôi, mãnh liệt hơn rất nhiều so với những ấn tượng mà Amsterdam đã cố tạo ra.

Amsterdam vẫn thật đẹp với những dãy nhà xinh xắn kiểu Hà Lan, những con kênh trong vắt và những cây cầu nhỏ nhắn. Nhưng tất cả những thứ khác, những thứ phô trương của các dãy phố đèn đỏ đầy những cánh cửa kín và những “hộp kính búp bê”, những quán café đậm đặc vị hăng khói xanh, hàng loạt những cửa hàng bày bán “cupcake xanh”, “socola xanh” và các loại “trà thảo dược”… tất cả đều chỉ được xếp thứ hai sau những gì tôi đã có và cảm được ở Haarlem…

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here