minvitamoon-blog-ba noi-tuoi tho

Mùng 9 tháng 5, 2017

….
Tôi đã bật khóc đau đớn lắm khi chạy về đến nơi, thấy bà đã nằm lạnh im…vĩnh viễn…trên người mặc bộ áo dài đi chùa mà tôi vẫn từng được nhìn thấy bà mặc khi còn khỏe…

Tôi đã bật khóc cay đắng và xót xa cái sáng hôm phát tang, các cô bác đưa bà nhập quan và tiếng kèn trống thống thiết cào xé không gian…

Nhưng lúc đó tôi mới chỉ bật khóc, rồi lại phải ngừng, phải chạy đi chạy lại bao nhiêu công việc, thủ tục nghi lễ ồn ào của một đám tang truyền thống…tôi đã ước được im lặng trong chốc lát, chỉ một chốc lát thôi được lặng im bên bà…

Và cái lúc mọi người họ hàng, cô dì chú bác…đông đảo làng xóm đã đến khóc viếng hết cả rồi…cũng ngưng khóc hết cả rồi để xem nghi lễ chèo đò đưa bà qua sông…là lúc tôi thấy toàn thân rân rân tê tái…tôi muốn sụp xuống mà gào khóc thật to, thật thảm thiết, thật đã đời vì đã phải bị kìm nén từ cả ngày hôm qua, cả ngày hôm nay….

Trong lúc mọi người tập trung ở ngoài thì tôi đau đớn chạy vào trong đứng cạnh bà…Bà nằm đó im lìm và lặng lẽ, trong cái khối hộp lạnh lẽo đó…tôi òa khóc, tôi khóc tức tưởi, tôi khóc quặn lòng, tôi thấy mình đớn đau đầm đìa, tôi thương bà, nhớ bà quá…
Khi bà còn khỏe thì tôi còn bé quá…chưa biết lo cho bà…

Bà ơi! Con mới chỉ vừa lớn khôn ra, mới mừng tuổi cho bà được một năm Tết, mới kịp mua cho bà hộp sữa, mới bắt đầu biết bà khổ, bà vất vả để mong được hỏi chuyện, được chia sớt tâm sự cùng bà…thì bà đã chẳng còn ở lại trên đời nữa… Con chỉ còn kịp cầm mấy đồng lẻ mà thả vào cái nghi lễ chèo đò kia, người ta bảo: “Tiền lẻ để bà đi đò qua sông…” Đau đớn quá! Cả đời bà vất vả, âm thầm…Con đã bé bỏng lâu quá, lớn khôn chậm quá, để bây giờ chỉ kịp cho bà dăm đồng lẻ trong cái tục lệ chèo đò kia, mà con biết rằng cũng chẳng còn ích gì nữa…chỉ là một hình thức, một tục lệ dân gian mà thôi… Sự thực là bà đã vĩnh viễn lìa khỏi chốn nhân gian này rồi…bà ơi…
…..

Con còn nhớ những ngày còn nhỏ, con và cu Tí là hai đứa cháu được ở gần bà nhiều nhất, được bà trông nom nhiều nhất…

Con nhớ những ngày mưa, bà đọc mấy bài vè ngược… “Bong bóng thì chìm gỗ lim thì nổi…”

Con nhớ những trưa hè nắng, bà nằm nghỉ trên cái chõng tre dưới gốc dâu ta trĩu quả, tay phe phẩy chiếc quạt giấy bà tự dán… hồi ấy nhà con nhiều quạt giấy lắm, chẳng bao giờ phải mua…toàn quạt của bà làm lấy

Con nhớ nhưng sáng tinh mơ đi chợ, lần nào trở về qua nhà con, bà cũng mua hai hào bỏng ngô hay bỏng gạo cho cái Bống và cu Tí… Bà khi ấy đã còng rồi, con vẫn còn nhớ in, dáng bà lọm cọm chống gậy vào góc cửa, từ từ đứng thẳng dậy có phần nặng nhọc, một tay gỡ nón xuống một tay cầm túi bỏng bé con con, cất tiếng gọi Bống Tí. Hai chị em con lại chạy lao ra đứa ôm hông bà, đứa ôm túi bỏng…túi bỏng nhỏ bé…dáng bà nhỏ bé…niềm sung sướng của hai đứa bé nhỏ…

Con nhớ những cái bánh rán bà mua, từng quả trứng gà, trứng vịt bà bóc cho hai chị em con ăn…

Con nhớ dáng bà lom khom cặm cụi bê mâm bánh đúc tự làm…hồi đó bà hay làm bánh đúc, ăn suốt ngày nên hai chị em con cũng phát ngán lười ăn… bây giờ con thèm quá, thèm quá, những cái bánh đúc bà làm…mà chẳng còn bao giờ được ăn bánh đúc của bà nữa, chẳng bao giờ nữa rồi…

Con nhớ cả món chả đỗ của bà, con ăn hoài chẳng chán…

Con nhớ những ngày nhỏ bố mẹ đi làm gửi con và Tí sang nhà ông bà, cứ đi học về lại chạy về bà ăn cơm…Những bữa cơm của bà con sẽ chẳng bao giờ quên đâu, vì con với Tí đã may mắn lắm được ăn suốt cùng ông bà những bữa cơm đạm bạc như thế: Bát thịt kho mắm giản dị có mùi vị rất riêng của bàn tay bà nấu, bát canh rau hay canh đậu chẳng thể tìm được ở đâu khác ngoài cái bếp của bà…Bà sẽ đưa bát cơm cho con và bảo : “Bống chan canh cho bà…Chan vỏng vào nhả.” Bà phải ăn canh chan vỏng để khỏi nghẹn cơm…Và rồi con với Tí cũng bắt trước bà, chẳng ăn thịt nữa chỉ chan canh vỏng vảnh mà húp cơm suông…

Con nhớ dáng bà ngồi gày gò, xõa tóc bạc phơ gội đầu bên cái giếng nước và cái bể con con…

Con nhớ bóng bà ngồi cô quạnh, bé nhỏ vô cùng giữa sân vườn tối mênh mang ở cái nhà dưới, một chiều nọ con về nhà, đạp xe sang thăm bà… Con xót xa đẩy cổng chạy ùa vào, nhưng cũng chỉ hỏi được một câu chán ngắt: “Sao bà không bật điện lên cho sáng?” Giá như con đã ôm lấy bà, ôm thật chặt và ấm áp, để mà thổn thức bảo bà: “Bà cần gì, buồn gì, khổ gì, không vừa lòng gì…hãy cứ nói ra hết bà nhé, con muốn nghe, bà nói với con đi, con đã lớn để nghe hết rồi, bà cứ kể đi, cứ trút bầu đi bà nhé…”

Con nhớ những lúc bà cười xòa làm hòa khi ông nổi nóng cáu gắt…có lúc là cười xuề xòa cho qua chuyện, có khi là cười giòn tan thật sự…như thể bà nhìn thấy được trong cái cáu gắt, nóng nảy của ông cũng có điều gì đáng yêu lắm…

Con nhớ những mùa Tết, ngày hăm bảy hăm tám, sáng dậy đã thấy bà ngồi buộc lạt cho mẹ con gói bánh…dáng bà lặng lẽ ngồi canh nồi bánh chưng để trông chừng bánh chín đủ độ thì gọi ông vớt và dền bánh…

Con nhớ dáng bà ngồi lui cui trong cái bếp củi be bé, khói than quyện quanh người…

….

Còn bao nhiêu kỉ niệm, bao nhiêu hồi ức về bà giờ đây vẫn đang chảy cuồn cuộn trong tim con và đương siết cuồn cuộn hơn bao giờ hết…giá như còn bà ở đây để con được cùng bà ôn lại thì tốt biết mấy?! Con vẫn cứ ước giá như con đã lớn nhanh hơn…để kịp được lắng nghe bà tâm sự…Bây giờ con đã đủ lớn, đủ sâu, đủ biết lắng nghe rồi bà ơi…nhưng chẳng còn kịp nữa rồi…

Con biết bà đã trọn đạo một đời vẹn toàn, vì chồng, vì con, vì cháu, vì biết bao nhiêu con người…Vất vả một đời, âm thầm một đời, nhọc nhằn một đời, bà đã hoàn thành sứ mệnh và định mệnh của cuộc đời mình…Con biết lắm, con biết vậy, con hiểu rằng đã đến lúc bà phải được nghỉ ngơi… Bà đã hi sinh đủ rồi, đã đến lúc bà được an lạc thanh thản… Nhưng phải vĩnh biệt bà vẫn là một nỗi đau đớn vô cùng tận đối với con, đối với tất cả anh chị em chúng con…

Con biết con và Tí vẫn là đứa cháu may mắn nhất, được gần bà nhiều nhất được bà chăm lâu nhất, được có nhiều kỉ niệm cùng bà nhất…Bà còn nhớ những đêm hồi con còn nhỏ, con thường lấy truyện cổ tích về các loài Hoa quả ra đọc cho bà nghe không? Bà thích lắm và cứ lặng lẽ tủm tỉm cười mà nghe con kể hết trang này đến trang kia, bà còn nhớ không bà?

Con cũng may mắn đến tận năm cấp ba vẫn cứ chiều chiều sang nhà ông bà đều…nhưng sang chơi nhà bà đều cũng đâu phải là đã biết thương bà? Khi ấy con vẫn còn vô tâm lắm…

Con may mắn đến tận mấy năm Đại học, cứ cuối tuần về nhà vẫn tạt sang nhà bà chơi, đi bộ hoặc đạp xe, nhưng như vậy cũng đâu phải là đã biết thương bà? Giá như khi ấy con đã biết hỏi chuyện bà nhiều hơn để được nghe bà kể nhiều câu chuyện hơn, nhưng câu chuyện về cuộc đời bà nhọc nhằn, vất vả…

Con may mắn được báo với bà công việc đầu tiên sau khi tốt nghiệp…

Con may mắn cái lúc bà ở trong Nam cũng nhiều dịp đi công tác ra vào mà qua thăm được bà cả ở trong đó, tuy cũng chẳng được nhiều nhặn hay đều đặn gì… lúc ấy con thương bà nhưng cũng lo công việc mình nhiều nên đôi khi nỗi lo cho bà cũng có phần sao nhãng…

Con may mắn được mơ giấc mơ kì lạ về bà ngay trước ngày bà được đưa từ trong Nam ra… Trước đó rất lâu, các chú bác định đưa bà ra bằng xe cứu thương hỏa tốc, vì bà yếu quá rồi sợ chẳng đi máy bay được…Ấy thế mà đêm trước ngày đón bà ra, con mơ thấy bà dặn con và Kim Anh nhớ mang hoa quả ra đón bà ở sân bay nhé… Sáng hôm sau, bố gọi điện báo con đã đưa được bà ra an toàn sau hai giờ bay rồi…

Con may mắn được thấy bà cười trước khi bà không còn đủ sức cười…, được nghe bà nói đôi từ trước khi bà không còn đủ sức để mà nói, được trò chuyện mà thấy bà gật, lắc trả lời trước khi bà chẳng còn bao giờ gật hay lắc đầu được nữa…

Con đã may mắn vậy rồi mà sao con vẫn còn thấy như chưa đủ, chưa kịp?! Con vẫn cứ giá như…con vẫn cứ trách mình “tại sao lúc ấy không…”

Thôi…

Sẽ chẳng bao giờ nữa, con được gọi bà: “Con Bống đây bà ơi..”

Sẽ chẳng bao giờ nữa, con được cầm vào đôi tay chấm đồi mồi gầy guộc của bà để mà nắn nắn, để mà xót xa: “Bà gầy quá…”

Sẽ chẳng bao giờ nữa, con được nghe tiếng bà thân thuộc: “Bống ơi ra bà bảo..”

Sẽ chẳng bao giờ nữa, con được ngồi hóng gió nhè nhẹ trong sân vườn nhà bà, nghe tiếng sáo ai thổi gần nhà và lặng ngắm dáng bà còng lắm, đi lom khom từ hè nhà xuống sân, vào bếp hay ra vườn gom lá…

Sẽ chẳng còn bao giờ nữa, con thấy bà cười xòa, hàm răng đen bóng của một thời đại với tất cả những đặc trưng xưa cũ… Nụ cười bà, hàm răng đen, môi thơm trầu…như phản chiếu được toàn bộ âm hưởng cả một thời đại, những kí ức cổ kính chạy qua trước mặt như một thước phim đen trắng: những cuộc chiến, những người nông dân lội đồng, những đồn bốt giặc, dáng các bà gánh gồng, bồng con chạy loạn, những người du kích – bóng dáng ông nội, những gương mặt khắc khổ lam lũ một thời chiến tranh, một thời hòa bình trong bao cấp đói khổ,…

Tất cả đã lùi xa… Xin phép được cất giữ lại cẩn thận trong một cuốn hồi ức cổ kính, cuốn hồi ức về bà tôi và một thời đại bão táp, gian truân…

Bà ơi! Bà đã gánh nặng cả một đời nhọc nhằn qua hơn chín thập kỉ rồi…Giờ bà hãy thanh thản buông đôi gồng gánh xuống, bà nhé. Bà hãy an tâm nghỉ ngơi, nhẹ nhàng siêu thoát…Tất cả con cháu đều biết thương bà nhiều lắm, và sẽ cố gắng sống tốt hơn từng ngày…

Còn con, con đang theo đuổi đam mê lớn của đời mình… Đó là một ước mơ của thời đại mới bà ạ…Con đang cố hết sức bà ơi! Và con sẽ kiên trì tới khi nào thực hiện được, bà nhé!

Bà hãy an tâm hưởng lạc chốn bồng lai mà chờ một ngày gần, con báo tin ước mơ con  thành hiện thực, bà nhé!
Con thương và nhớ bà rất nhiều!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here