Cái tôi thực sự – cái tôi nguyên bản:
Là một cái tôi bản chất, tự nhiên, xuất phát từ tự thân mỗi người, sinh ra cùng nó, và nếu, người ta không tự chối bỏ nó, thì sẽ cùng nó trưởng thành.
Một cái tôi đồng chất, đồng nhất, xuyên suốt và toàn vẹn, đủ đầy “a self-suficient ego”. Một cái tôi tự nhận thức đầy đủ về chính mình và luôn tự khám phá để hoàn thiện cái nhận thức ấy. Một cái tôi phản ánh đầy đủ và trọn vẹn chính con người ấy, làm động cơ cho chính những thứ họ muốn, họ đam mê, cho chính hạnh phúc của bản thân họ, mà không phải vì bất cứ cái gì nằm ngoài bản thân họ.
Đó là một cái tôi chân thật và dũng cảm, vì chính mình tốt đẹp để mà đi tìm thấy phiên bản tốt nhất, hoàn thiện nhất của chính mình, trong chính bản thân mình. Đó là một cái tôi tự do, độc lập, tự hoàn thiện để không pha tạp với bất kì cái tôi nào khác, và cũng để hiểu được và tôn trọng nhưng cái tôi nguyên bản, chân thật khác. Bản thân những cái tôi nguyên bản đã có một âm hưởng, tần số chung để có thể tự nhiên đồng điệu. Đồng điệu mà không đồng hóa.
Còn cái tôi phong trào, là thứ mà người ta vẫn hay hô hào là: phải có cái tôi riêng, biết thể hiện cái tôi; hoặc hay phàn nàn là: cái tôi quá to, phải biết dẹp bỏ cái tôi, hoặc phải biết hạ bớt cái tôi của mình xuống để tránh mẫu thuẫn, xung đột. Cái tôi như thế thực chất chỉ là cái tôi “dỏm”, cái tôi đã bị bóp méo lệch lạc về định nghĩa bản chất. Những cái tôi mà được hiểu như thế thực ra đâu phải là cái tôi? Chỉ đơn thuần là những quan điểm, phong cách cố hữu, cố chấp được vay mượn từ đâu đó, từ ai đó hoăc từ một thị hiếu đám đông nào đó để lắp vào của mình, rồi tưởng rằng đó là cái tôi của mình. Cái tôi hờ đó đơn thuần chỉ là những tư duy, phong cách, chuẩn mực đi vay mượn, cóp nhặt từ bên ngoài hoặc dựa trên những tiêu chí, đánh giá của người khác, của xã hội; nhặt nhạnh về và cho rằng đó là chuẩn mực, là cái tôi của mình.
Cái tôi phong trào tạo ra một thế hệ những người trẻ ảo tưởng rằng cái tôi được thể hiện qua quần áo, đầu tóc, phong cách thời trang và hình thức dị biệt, để rồi bỏ rơi tâm hồn mình non nớt trong một vũng nước nông, gọi là những kẻ “hình thức ngoại hình”; hoặc tạo ra một lớp những người “bán trưởng thành” bị cuồng tín vào những quan điểm được cho là trí tuệ của mình và không bao giờ chấp nhận những ý kiến sai khác, gọi là những kẻ “hình thức trí tuệ”.
Cái tôi dỏm như vậy, vì bản chất chỉ là sự cố chấp vay mượn, nên dễ dàng xung đột với những cái tôi khác, vì không có bản chất, chỉ là cái vỏ. Cái vỏ thấy những cái vỏ khác không giống mình thì phát sinh mâu thuẫn. Cái tôi dỏm dễ dàng phình to ra hoặc xẹp xuống khi gặp những cái tôi dỏm khác. Cái tôi dỏm được tạo ra để thể hiện, khoe khoang tìm kiếm sự yêu thích của người khác, hoặc để dễ dàng điều chỉnh to nhỏ cho phù hợp với các mối quan hệ khác nhau. Cái tôi dỏm phập phù như trái bóng bay và thực sự sợ hãi những cái tôi nguyên bản, đồng chất. Vì một cách tự nhiên, cái tôi đồng chất, rắn rỏi sẻ làm nổ tung những cái tôi bong bóng.
Khi cái tôi dỏm chạm mặt cái tôi nguyên bản, cả hai như không tồn tại trước nhau, không thể hiểu, không thể nắm bắt, như hai thực tại song song
Khi những cái tôi nguyên bản gặp được nhau, chúng tự nhiên đồng điệu, trao đổi những giá trị, những cảm nhận để cùng nhau mở rộng cái thế giới và thực tại của chính họ, cái mà họ đang chung hưởng.
Cái tôi thực chất và nguyên bản là tổng hòa cả một sự tồn tại của một cá thể, bao gồm cả tâm hồn, cảm nhận, trực giác, tư duy, suy nghĩ, quan điểm. Người ta thường bị nhầm tưởng cái tôi biểu hiện qua phong thái bề ngoài hoặc đơn thuần quan điểm, suy nghĩ. Đó là lí do người ta cứ hay nhìn vào những thanh niên trẻ ăn mặc thời trang, cách điệu theo trào lưu thì gọi là cá tính, chất riêng, cái tôi cao; hoặc thấy nhưng người khăng khăng chứng tỏ cho một quan điểm, suy nghĩ của riêng mình bất chấp suy nghĩ người khác thì vội chê là cố chấp, bảo thủ, cái tôi to, hoặc vội khen là cá tính mạnh, cái tôi lớn.
Đó đâu đã được coi là cái tôi. Đó chỉ là những biểu hiện đơn giản bề ngoài. Mà những biểu hiển giản đơn bề mặt như thế thì có thể đúng, có thể sai. Cái tôi thì không thể nói đúng hay sai, to hay nhỏ, cao hay thấp. Cái tôi thực sự, khi nói về nó, chỉ có thể dùng tính toàn vẹn và đồng nhất để xem xem liệu một người đã có thể bảo vệ trọn vẹn cái tôi của mình và hoàn thiện nó đầy đủ nhất theo đúng cách của nó trong cả một hành trình người đó sống hay không?!
MinVitaMoon 3/2018