minvitamoon-blog-cong hoa sec
Con đường dẫn ra quảng trường làng Moravska

Trong những nước Châu Âu chúng tôi đã từng đi qua, thì có lẽ, Cộng Hòa Séc là đất nước mà cả anh và tôi có được nhiều duyên ngộ nhất, nhiều kỉ niệm đẹp và cũng không ít những khoảnh khắc buồn phiền. Thật kì lạ, cái đất nước trung Âu cổ kính ấy, trong tất cả những lần hạnh ngộ, dù ngắn hay dài, thì cũng đều kịp để lại trong hai đứa tôi, nhiều kí ức tươi rói và cũng chẳng thiếu những nỗi nhói đau…

Cả gia đình, họ hàng của anh, nhiều người định cư ở Séc. Bản thân anh gần như đã là công dân Séc về mặt giấy tờ và hộ khẩu. Anh cũng đã học và nói được chút tiếng Séc, thậm chí còn có khoảng nửa năm làm việc cho gia đình bên đó. Tổng cộng số lần anh sang Séc phải tầm trên dưới năm lần. Và tổng thời gian anh đã qua lại và sống ở Séc thì cũng phải cộng dồn được đến hơn một năm – một khoảng thời gian không hề dài đối với một người Việt có khả năng định cư vĩnh viễn ở Séc như anh, nhưng chắc chắn lại không hề ngắn đối với một chàng trai trẻ đã chọn con đường tới Séc để trải nghiệm một đoạn thời gian thay vì định cư và tiếp tục công việc làm ăn của gia đình bên đó. Mặc dù, anh đã sở hữu thẻ cư trú ở Séc được mười năm, tính từ hồi còn nhỏ. Cho tới lần gần đây nhất hai đứa tôi sang Séc, anh lại gia hạn thành công được thẻ cư trú thêm mười năm nữa, và sẽ còn tiếp tục được gia hạn  một khi gia đình anh còn định cư bên đó. Với hộ chiếu được cấp bên Séc kèm theo thẻ cư trú của anh, anh nghiễm nhiên ra vào các nước Châu Âu như một công dân EU mà chẳng cần vất vả xin visa như tôi.

Đấy là cái duyên ngộ của anh với đất nước Séc.

Tôi thì lần đầu quan tâm tới Cộng Hòa Séc là hồi sinh viên, tình cờ bị nghiện bộ môn nhảy C-walk và cũng lại tình cờ bị hâm mộ những C-walkers ở Séc, đặc biệt thích xem mê mẩn những bước nhảy C-walk điệu nghệ được quay video ở những góc đường phố tuyệt đẹp của thủ đô Praha, CH Séc. Lúc ấy, tôi chỉ loáng thoáng ước ao rằng, sẽ có lúc mình được múa chân điệu nghệ ở chính những góc đường phố Praha xinh đẹp đó. Tất nhiên chỉ là ao ước vẩn vơ, vì tôi thì có liên quan gì mà  lại có lúc nhảy nhô tung tẩy ở Séc được? Nhưng đúng là “You never know what the future holds” . Cái duyên, tôi lại yêu anh, chàng trai có duyên ngộ lớn như thế với đất nước Séc. Cho tới ba, bốn năm sau thời sinh viên, vào cả hai năm 2017, 2018, tôi lại hai lần liên tiếp xin được visa Schengen để có cơ hội cùng anh sang thăm thú Châu Âu, đặc biệt là dành rất nhiều thời gian trải nghiệm ở khắp các thành phố, làng mạc lớn nhỏ ở Cộng Hòa Séc. Sang Châu Âu hai lần, tổng thời gian ở đó là bốn tháng thì có tới hơn tháng rưỡi tôi trải nghiệm ở Séc cùng anh. Và chính tôi, trong khoảng thời gian đó cũng đã kịp lượm lặt cho mình chút tiếng Séc vụn vặt và được nếm kha khá hương vị đất nước, con người Séc, kể cả cộng đồng người Việt ở bên đó.

Đấy là cái duyên ngộ của tôi với đất nước Séc.

Chính cái đất nước trung Âu xinh đẹp như một bức tranh cổ tích ấy, cũng lại từng là mối chia cắt xám ngắt về không gian của tình yêu hai đứa tôi trong nửa năm trời, cái hồi hai đứa mới ra trường và anh thì phải sang bên đó theo như kế hoạch từ trước của gia đình, còn tôi ở lại Hà Nội cặm cụi nhà xa đi làm. Nhưng rồi, cũng lại chính cái đất nước trung Âu xinh xắn, ôn hòa, thảng hoặc kiêu ngạo ấy, lại trở thành một trong những ngôi nhà cổ tích của hai đứa tôi trong quãng thời gian ở Châu Âu – cái nơi mà chúng tôi đã cùng nhau tới thăm, cùng đi du ngoạn và lang thang từ thủ đô Praha cho tới thành phố Brno, từ các thị trấn Svitavy, Humpolec, Příbram… cho tới những ngôi làng nhỏ cổ kính ở Moravská Třebová , Pelhřimov hay Jihlava…, từ những vùng kiến trúc Bohemia cổ điển cho tới những vùng núi non Moravia rộng lớn; cũng chính là cái nơi hai đứa tôi tìm thấy cho mình một đôi bạn người Séc thật đáng yêu và đáng nhớ: Lumir và Irena.

Đấy là cái duyên ngộ của hai đứa tôi với đất nước Séc.

Chuỗi kỉ niệm chúng tôi gom góp được ở Séc thì nhiều vô kể, chỉ tính riêng những kí ức xinh đẹp ở Praha và Moravská Třebová, bỏ qua những hạt sạn khó chịu chúng tôi gặp phải từ một vài người Séc xấu tính ở vùng Bohemia hay từ một số nhóm người Việt tầm nhìn hạn hẹp định cư lâu năm trên đất Séc, thì cũng đã là những chuỗi câu chuyện thật dài mà phải hao tâm tổn tứ mới dốc lòng ra hết được. Chỉ riêng những câu chuyện tôi đã gom nhặt ở các nước Châu Âu khác, trong thời gian ngắn hơn ở Séc rất nhiều, mà cũng đã tốn hàng trang nhật kí hành trình của tôi, huống chi là những mảnh kí ức thật sâu và thật dài ở nhiều vùng đất khác nhau trên mảnh đất Séc này?

Vậy thì, tôi sẽ chỉ vẽ lại đây, những mảnh kí ức sáng nhất và sâu nhất, trong những ngày trải nghiệm cuộc sống cùng người dân địa phương ở làng Moravská Třebová , một ngôi làng cổ cách thủ đô Praha khoảng hơn 200 cây số.

Đó là cái mảnh kí ức về chuỗi ngày hai đứa tôi được sống và làm việc ở cái cửa hàng nhỏ của gia đình anh, thay cho bố mẹ anh về nước du lịch.

Những buối sáng Moravská ngọt se sắt, không khí trong suốt, biếc lạnh như miếng thạch mát để trong tủ lạnh, chờ ta sắn ra mà nuốt vào đầy khí quản, để cho lồng ngực căng tràn một bầu khí sớm mai, lạnh khô và thơm tho, đầy nhuận khí. Ngay cả khi bầu trời xanh vắt đã đầy nắng, lan tràn xuống con đường rợp bóng cây ôn đới, luồn lách qua những tán lá xanh pha cam vào cuối hạ, rớt lại thành những đốm nắng loang loáng trên hàng vỉa hè dài hun hút hai bên đường, thì những cơn gió hạ phe phẩy chạy dọc bóng râm vẫn cứ se lạnh, đậm dần khi về chiều và trở buốt khi đêm xuống.

Vào những sáng sớm như thế, anh lái chiếc Škoda xanh lá bốn chỗ tí hon, chở hai đứa đi bon bon dọc theo những con đường rộng vắng, tĩnh lặng của Moravská, xuyên qua màn nắng mỏng tang, để tới cửa hàng.

Cửa hàng của gia đình anh nằm ở vị trí khá đẹp trong cả khu làng, hai bên là siêu thị và hiệu thuốc, sát cạnh một quầy thực phẩm tươi sống, nên buôn bán cũng đều tay mà khách địa phương qua lại luôn đều đặn. Cửa hàng chỉ một tầng nhưng rộng sáng, đủ hai lối cửa tiền-hậu, có mái màu đỏ tươi, in thẫm lên nền trời Moravská đậm thấp và biếc xanh, lững thững vài cuộn mây trắng xốp, đánh bông lên như những chiếc bánh kem trứng.

Lần đầu sang, tôi thích ngắm bức tranh ấy lắm. Chỉ đơn giản là một khoảng trời ôn đới biêng biếc, vài cụm mây dày, nắng mỏng vàng tươi và gió se mát, dăm ngọn thông lục thẫm khía lên nền trời những nét mảnh dẻ. Nhưng tôi cứ ngắm nghía mãi không chán, chụp lại bao nhiêu tấm hình mà không lột tả được hết vẻ đẹp giản đơn mà sâu hút của những góc sân và khoảng trời ấy ở Moravská.

Sau khi mở cửa hàng, dọn hàng ra ngay ngắn xong xuôi là khoảng tầm 8h sáng. Nếu chưa có nhiều khách, hai đứa tôi sẽ kịp thong thả pha cà phê thơm lựng, nhâm nhi với bánh sừng bò tươi béo ngậy mua ở ngay siêu thị bên cạnh.

Hỗ trợ ở cửa hàng cùng hai đứa tôi là mấy bà người Séc Aniska, Maika và Dana thay ca nhau tới làm cùng. Họ đều đã già và chỉ nói tiếng Séc. Mà thực ra, hầu như chẳng người Séc nào sống ở những vùng thị trấn nhỏ nói tiếng Anh, ngay cả ở khu thủ đô Praha mà số người Séc nói tiếng Anh cũng không nhiều. Vậy nên, suốt quãng thời gian ở Séc, tôi phải vội vàng lượm lặt chút vốn tiếng Séc cỏn con để bán hàng cùng anh và bập bẹ nói chuyện cùng mấy bà người Séc vui tính. Lâu lâu, tôi cũng thuộc hết số đếm và vài ba từ đơn giản để thi thoảng bán hàng thay anh, rồi thì lúc rảnh rang, hai đứa lại bi bô cùng mấy bà. Trong ba bà, Aniska già nhất, tóc ngắn dày tỉa tròn như cây nấm và bạc trắng màu bạch kim, mà tôi thích gọi là “bà tiên tóc trắng”, hay bị đau lưng nhưng vẫn chăm chỉ cặm cụi làm. Maika thì tóc ngắn hơi nâu đỏ, thích nói và nói rất nhiều, lúc nào cũng luôn mồm cười nói ríu ran. Dana trẻ hơn cả, người mập tròn nhất, suốt ngày ăn bánh mì và thi thoảng hay khóc thút thít vì chuyện chồng uống rượu say xỉn, hết khóc lại ăn bánh mì và cười nói ba la.

So với người dân ở vùng thủ đô thì người Séc ở đây hiền lành và vô tư hơn, chủ yếu toàn người già, bọn con nít, hội thiếu niên và những cặp vợ chồng. Đứng bán ở cửa hàng một thời gian là chúng tôi hầu như đã có thể nhớ được hàng tá gương mặt người dân trong vùng, suốt ngày ra vào cửa hàng.

Gần một tháng ở Moravská, ngày nào hai đứa cũng đứng riết ở cửa hàng từ sáng sớm đến chiều tối, làm những công việc lặp lại dọn hàng ra, bán hàng tính đếm rồi lại cất hàng vào, nên nhiều lúc cũng oải. Nhưng vì không giống như những người Việt khác ở Séc, chỉ biết cắm cúi bán hàng đếm tiền, hai đứa tôi đã đến với Séc như một quãng trải nghiệm, nên cũng biết cách tìm được cho mình nhiều niềm vui nho nhỏ giữa những người dân địa phương hiền hòa. Đứng từ góc độ du lịch, trải nghiệm, thì nghiễm nhiên hai đứa tôi lại có một khoảng thời gian quá lí thú và khác lạ, khi được sống và làm việc giữa những người dân Séc ở hẳn một ngôi làng cổ xinh đẹp cách xa thủ đô, không một bóng khách du lịch.

Ngày ngày, chúng tôi đắm mình trong một thế giới ngôn ngữ hoàn toàn khác, hít thở bầu linh khí địa phương, sinh hoạt giữa những người dân Séc, hòa vào dòng người những em bé thanh thiếu niên người Séc đi học, những bà mẹ Séc đẩy xe nôi trên vỉa hè, lũ con nít tóc vàng nô đùa ở công viên, nhưng ông bà già Séc lọm khọm chống gậy, đi dạo bộ dưới bóng cây. Phải có đến hàng trăm lần, chúng tôi đi tới đi lui khu quảng trường của làng, để ra vào những quán ăn mà người địa phương ăn, uống café ở những nơi người địa phương uống, quen thuộc tới từng con đường, góc phố, khu đồi công viên xanh mướt mải, tháp chuông nhà thờ hay khu lâu đài cổ của ngôi làng.

Những buổi trưa, anh sẽ vẫn đứng trông cửa hàng, còn tôi thì lại cuốc bộ ra quảng trường, bập bẹ dăm câu tiếng Séc để mua bữa trưa về cho hai đứa, lúc thì món Guláš đậm đà ở quán bình dân ngon rẻ nhất làng, lúc thì burger bò ngập nước sốt phong vị Séc, có khi chỉ đơn giản là món chlebíčky lót dạ (một loại sandwich phủ mozzarela và trứng của người Séc) hoặc bánh mì vừng ăn kèm thịt xông khói; khi thì đổi sang pizza cá ngừ khổng lồ, đế giòn tan và phủ nhân phomai mềm mại. Trong những chiếc pizza mà chúng tôi từng được thưởng thức ở nhiều nước Châu Âu khác nhau, thì món pizza đó của người địa phương Moravská nằm trong số những pizza ngon nhất, thậm chí còn ngon hơn cả một số cửa hàng pizza truyền thống ở Ý. Những buổi trưa mua pizza khổng lồ về như thế, bọn tôi thường rủ Aniska ăn cùng. Ba bà cháu sẽ lại cùng ăn pizza cùng rôm rả trò chuyện, bằng cả ngôn ngữ, tay chân và google dịch 😀

Vì thực phẩm ở siêu thị bên đó rất nhiều, rẻ và tươi sạch nên các buổi tối sau khi ở cửa hàng về, tuy đã muộn nhưng hai đứa tôi vẫn tự tay nấu nướng những thức đa dạng đã mua sẵn từ siêu thị: lúc thì món cá nục kho hành tây béo ngậy, lúc thì món đùi gà hầm, khi lại đổi sang bò sốt vang mềm nhừ hoặc tôm hấp bia thơm nức, tất nhiên không quên uống kèm cùng rượu vang vùng Bohemia. Chúng tôi sinh hoạt đúng y như những người dân Séc sống lâu năm ở đó, cũng đi làm, mua sắm, nấu nướng, đi dạo bộ quanh đồi, ăn tối ở nhà và xem truyền hình của Séc. Cuối tuần, cũng giống như những gia đình Séc khác, hai đứa tôi ra quảng trường uống beer tươi và ăn các món truyền thống của người Séc: món  řízek gà bọc bột nướng giòn tan ăn kèm khoai tây hấp, món phomai nướng (Smažený sýr) hoặc món chân giò hầm nhừ ăn với nước sốt tataská huyền thoại của Séc…

Cũng chính là vào một buổi tối cuối tuần, hai đứa tôi lang thang ra quảng trường ăn tối và gặp đúng buổi lễ kỉ niệm 760 năm thành lập Moravská Třebová . Đó là một không gian buổi tối khó quên ở quảng trường Moravská, với đủ các loại gian hàng ẩm thực địa phương phục vụ những món ăn, thức uống hand-made của vùng Moravia, từ những món ăn mặn truyền thống cho tới những món bánh cuộn ngọt đủ hương vị, từ những loại café, rượu vang hảo hạng cho tới những món beer thủ công do người địa phương tự tay nấu và ủ men. Hai đứa tôi tung tẩy trẩy hội trong cái bầu không khí địa phương độc đáo ấy, giữa hàng trăm người dân Séc đang vui đùa, uống beer và nghe nhạc. Cả một sân khấu lớn ngoài trời được dựng lên giữa quảng trường, hai đứa tôi cũng tăng động nhún nhảy, hét hò theo từng ca khúc tiếng Séc sôi động của nữ diva huyền thoại người Séc Petra Janů.

Theo một cách nào đó, chúng tôi thấy mình dường như đã là một phần của mảnh đất Moravská.

Ở đây, người Czech không phát âm được tên Minh và Tùng, nên họ gọi hai đứa tôi là Mia và Toni. Tình cờ như một cơ duyên, Mia và Toni gặp Irena và Lumir trong lúc đang xếp hàng mua xúc xích ở lễ hội kỉ niệm 760 thành lập Moravská 😀 Hai người bạn Moravs mới này sao mà hay ho đến lạ! Mấy ngày sau họ đến thăm Mia và Toni ở cửa hàng, mời chúng mình qua nhà ăn tối. Và như một cơ duyên đẹp, bốn người Irena Lumir Mia Toni và hai cô cún Laura-Bara đã có một đêm thật khó quên. Vang hồng khai vị, vang trắng nhâm nhi, chút rượu thảo dược, một shot rượu mạnh Hi Lạp giữ ấm và một cú nốc ao rượu “mắm” Trung Hoa…Nghe Queen từ chiếc máy phát nhạc cũ kĩ. Nhún nhảy theo một khúc cổ ca từ cái gramophone 100 tuổi lúc được lúc tắt. Tiết trời Âu cuối hạ về đêm trong veo rét ngọt. Trông ra sân vườn thấy một mảnh trăng huyền tích trong truyện cổ Grimm, vài nét cây nhánh lá in sẫm trên nền trời trong văn vắt..

Đến mãi cuối khuya mà vẫn luyến lưu thưởng trăng đối ẩm, chơi nhạc uống vang, tựa hồ có những dòng chảy dịu dàng cuốn quyện của trăng cũ nhạc cổ lang mang quanh mình…

Lumir Irena tiễn chân ra đến cổng, cô nàng Laura vẫn còn quấn quýt chạy theo, xoay tròn quanh Mia Toni mấy vòng. Đường tản bộ về từ nhà hai người bạn lênh láng trăng khuya bạc, lúc chiều tản bộ tới thì tràn ngập ráng chiều vàng. Mia và Toni thấy mình đi trong những câu chuyện cổ tích, những bóng cây cổ tích lấp loáng ánh đêm.

Mơ hay Thực, Nhanh hay Chậm chẳng biết. Chỉ biết những khoảnh khắc, những cơ duyên…

Ngày chia tay Moravská, Lumir và Irena lại ra tận cửa hàng, tặng chúng tôi những chiếc đĩa than cổ, với hi vọng chúng tôi sẽ trở về sắm lấy một chiếc gramophone ở Hà Nội và nghe một thứ gì đó mang từ Séc về.

Thời gian gặp gỡ hai người bạn ấy tuy  không quá dài, nhưng lại đủ sâu để chúng tôi chia sẻ với nhau biết bao cảm xúc và câu chuyện, thông qua những giai điệu mà cả bốn người cùng đồng điệu.

Có một điều thú vị là, cơ duyên giữa chúng tôi và hai người bạn Moravská ấy tiếp tục lặp lại vào ngay một năm sau đó, khi hai đứa tôi một lần nữa may mắn có dịp trở lại Châu Âu cùng nhau, cũng là lần hai đứa tôi được trải nghiệm chuyến phượt bằng chiếc Škoda tí hon vòng vèo đi qua các miền quê, những cánh đồng lúa mì của Séc.

Lần thứ hai này, tuy thời gian tôi ở lại Moravská cũng không quá dài, nhưng cũng đủ để cả bốn người chúng tôi lại cùng nhau uống beer tán gẫu, ăn tối ở những nhà hàng đã quen thuộc với cả bốn. Những kỉ niệm quí giá ghi vào kí ức tôi thật tự nhiên và sống động: một buổi tối khuya tiệc vườn nghe nhạc ở nhà Lumir cùng anh trai của Lumir. Một buổi đi chơi hồ núi lửa và rừng quốc gia Praděd cùng Lumir và Irena trên chiếc ô tô siêu tí hon đến mức hài hước của hai người, mặc dù lần này sang, Irena đã mang bầu to bự, còn Lumir thì vẫn cao nghều với mái tóc rối bù xù. Một buổi tối khói xanh cười thắt ruột và chém gió om sòm tới quá khuya cùng Lumir và David – người anh rể funny của Irena, mặc dù cả hai chỉ nói được tiếng Séc và vốn tiếng Séc của hai đứa tôi cũng chẳng nhiều nhặn gì thêm. Chia tay nhau, Lumir lại tặng hai đứa tôi một bức tranh anh tự vẽ về vùng đất Moravia quê hương anh và hai trái tim bằng gỗ nho nhỏ để chúng tôi bỏ túi mang theo mình.

Vậy đó, có nhiều khi, trên hành trình đó đây của mình, ta gặp được những con người xa xôi, đến từ những vùng văn hóa xa xôi và thậm chí còn hầu như không cùng chung ngôn ngữ, nhưng ta lại phát hiện ra, ta và họ, cùng nhau thuộc về một tiểu vùng văn hóa của tâm hồn và tư duy, của những sợi kết nối cảm xúc vô hình nhưng chân thật, có khả năng phá vỡ tất cả những rào cản hữu hình của ngôn ngữ và văn hóa vật chất – cái thứ mà ta không bị cản trở khi ở cạnh một người cùng chung ngôn ngữ, đất nước, nhưng nhiều khi, lại không thể chia sẻ nổi những câu chuyện giản đơn, vì một cái sự khác biệt quan trọng hơn: sự khác biệt về tâm hồn.

Tháng 8-2017 và tháng 7-2018 – Hai lần tới Séc

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here