Chúng tôi rời Pleiku xuôi về Buôn Mê. Lại thêm 180km Pleiku – Buôn Mê nữa lùi về phía sau hai đứa tôi.
Khí hậu Buôn Mê về đêm vẫn mát mẻ nhưng ban ngày đã có phần nóng khô hơn Kontum và Pleiku.
Vốn thích thú café, tới Buôn Mê thủ phủ café này, tất nhiên anh và tôi chỉ mải mê đi tìm những nơi chốn để thưởng thức bằng được nhưng ly đen màu men cánh gián đậm hương đúng vị. Nhưng trong những quán chúng tôi đã tìm đến thì có lẽ, Làng Café Trung Nguyên của bác trùm cafe Đặng Lê Nguyên Vũ mới thực sự để lại nhiều ấn tượng.
Làng Café Trung Nguyên được thiết kế với mô hình Bảo tàng café thế giới ngay giữa Kinh đô Café Buôn Mê. Nhưng hai đứa tôi không thực sự chú ý đến những ý nghĩa và tham vọng to tát đó về nó. Chỉ biết rằng ở đó, chúng tôi tìm được những ly đen đậm sánh 100% hạt R ngọt hậu vị, những ly hạt A dịu nhẹ hậu vị chua thanh, những ly mix 7A-3R đầy cảm hứng. Hương thơm nồng quyện của thứ hạt nâu đen quyến rũ lòng người này cứ lan tỏa sóng sánh khắp không gian làng vườn café.
Cả khu làng được thiết kế như một ngự hoa viên café ban mê giữa chốn Phê thành, thưởng café hảo hạng giữa chốn cảnh vườn tươi thanh khiến tôi bất giác tưởng tượng tới những Tây Thi ngư trầm (cá lặn), Vương Chiêu Quân lạc nhạn (chim sa), Điêu thuyền bế nguyệt (trăng thẹn), Dương Quí Phi tu hoa (hoa nhường) ngày xưa đi vãn cảnh ngự viên mà được thưởng thức những ly café Ban Mê này thì không biết các nàng mĩ nhân sẽ “phê” thế nào?!
Café lâng lâng ngấm qua cổ họng thấm vào dạ dày khiến tôi lại còn vui vui tưởng tượng như mình cũng đang thanh nhã vui tao có khác nào các đại mĩ nhân ngự viên thưởng trà?! Nhấp thêm một ngụm café thơm, rồi lại nhấm nháp thêm một ngụm trà hương nếp lá dứa phục vụ kèm café, tôi rảnh rỗi xuất khẩu nhị ngôn tứ tuyệt, tự phong danh đại mĩ nhân cho mình là “Tẩu cẩu tu chim” (Vẻ đẹp chó chạy chim nhường) để sánh với các “Ngư trầm lạc nhạn”, “Bế nguyệt tu hoa” kia, lấy làm nực cười đắc ý với cái sự tự sướng ngớ ngẩn của mình, tất nhiên không quên chia sẽ mấy cái ý nghĩ tào lao ấy với anh để hai đứa cùng phì cười ngốc nghếch.
Xen giữa những ly café thư giãn, tâm đắc là những chuyến dạo lượn vòng vèo của chúng tôi vào những buôn làng xóm thôn lân cận hoặc nằm rải rác ngay trong thành phố Buôn Mê. Tốc độ đô thị Kinh hóa chóng mặt có vẻ như đã đem đến nền văn minh “thái quá” cho buôn làng. Không còn những buôn bản nguyên sơ thuần người Ê đê. Chỉ có những buôn lẫn trong phố, phố lộn ra buôn. Chúng tôi loanh quanh tìm tới Buôn Ako Dhong có già làng trăm tuổi bảo tồn văn hóa Ê-đê nức tiếng một thời nhưng nay cũng đã khuất bóng. Vẫn còn đấy dăm ba ngôi nhà dài tryền thống của người Ê-đê xen lẫn giữa những ngôi nhà bê tông cao tầng hiện đại. Vẫn còn đấy ngôi nhà dài đồ sộ nhất của già làng với sân rộng vườn tược xung quanh. Vẫn còn đấy những gia đình Ê-đê chung sống giữa những người Kinh nay đã chiếm đa số. Nhưng có còn đấy không cái linh khí Tây Nguyên đậm đặc hoang sơ? Có còn đấy không linh hồn Tây Nguyên đại ngàn hoang dã?! Hay là chúng tôi chưa vào đúng buôn?! Chưa gặp đúng cái nhà dài Ê-đê huyền thoại?! Nhưng người dân quanh đấy đều bảo chính buôn Ako Dhong đây mà. Hay là chúng tôi đến đây tầm trái mùa?! Không có những lễ hội cồng chiêng, những nhà dài dệt thổ cẩm mở cửa đón khách?! Không, mùa lễ hội thì lại càng đông đúc nhộn nhạo, vui thì chắc là cũng vui nhưng để có không gian tĩnh mà cảm khái cái linh khí Tây Nguyên nồng đậm thì lại càng bói không ra được.
Chúng tôi rời Buôn Mê với những suy nghĩ vẩn vớ mà cứ ấp ủ sâu mãi trong lòng như thế. Bảo tồn cái nguyên sơ, nguyên bản thật khó… Mà thưởng thức được những vẻ đẹp giản đơn, trần trụi lại càng khó hơn?!…