minvitamoon-blog-phuot-xuyen viet
Một góc Eva cafe

Những ngày hai đứa ở thành phố Kontum lặng lẽ trôi trong yên bình, mặc dù chúng tôi đêm đêm vẫn vật vã với mấy dự án online đeo đẳng mang theo trong suốt cuộc hành trình. Nhưng từ lúc nào một cách tự nhiên, tôi đã kịp lẳng lặng gom góp lại vào trong kí ức mình những nét vẽ phác giản dị, những bức chân dung đời thường mà thật khó quên nơi phố núi Kontum, theo một cách của riêng mình.

Bức chân dung đầu tiên đó là hình ảnh một chị người Bana hiền lành có nước da đen sẫm và hàm răng trắng nổi bật mỗi khi chị nở nụ cười thật thà và hồn hậu. Chị trông coi chỗ nhà nghỉ nơi chúng tôi dừng chân, thay cho một cặp anh chị chủ nhà người Kinh nào đó đã ra nước ngoài công tác. Đó đúng là một người phụ nữ thuần Bana chân chất, có đôi bàn tay đen múp lam lũ của một thời làm nương phát rẫy, người phụ nữ của những gian nhà Bana dựng bẵng gỗ Kơ Chik và lợp bằng những tranh nứa lồ ô, người phụ nữ giã gạo trong những nhà chồ Bana, thổi cơm trong những gác bếp Bana đậm đà khói xám. Nhìn người phụ nữ của mặn mà dáng dấp Bana ấy, đưa đẩy sao lại đặt trong bối cảnh một ngôi nhà người Kinh xây, thiết kế theo lối kiến trúc phương Tây, vốn là một đứa hay suy tưởng và tư lự những điều vẩn vơ bắt gặp được, tôi bỗng nhiên cứ có một cảm giác khập khiễng, trầm tư gần như xót thương, gần như nhớ nhung một điều gì tuy không hẳn là của mình nhưng cứ thấy mất mát thật sự nếu nó bị lấy đi, bị lãng quên đi…

Bức chân dung ấn tượng thứ hai phác nhanh mà đậm vào kí ức tôi có lẽ chính là Pir, một cô gái Bana còn rất trẻ và quán café Eva nơi Pir làm việc.

minvitamoon-blog-phuot-xuyen viet
Lối vào Eva Cafe

Nằm trên con đường Phan Chu Trinh lặng nắng, vắng thanh hun hút và tịnh thoáng thinh không, giữa trung tâm phố núi cao nguyên Kontum đương mùa mưa se mát, Eva café lặng lẽ hiện ra, nguyên sơ như một câu chuyện cổ Bana… Một khu vườn cổ tích của người Thượng ngàn giữa chốn đô thị đương vội vàng Kinh Hóa..

Eva café đã ở đây được hơn 20 năm rồi. Thuở ấy, một họa sĩ người Kinh tên Nguyễn Ngọc Ẩn vì đã quá phải lòng nàng văn hóa Bana mà đem hết cái tâm tình mình thiết kế ra khu vườn Eva café, như một hoài niệm Bana, một tình ca Bana.

Không gian nhà vườn nơi đây được thiết kế theo đúng gốc kiến trúc Bana. Quán được trông coi, chăm sóc bởi chính những người Bana từ những khu làng lân cận.

Bước qua khóm cây cổng vào là một khu rừng nhỏ muôn sắc lá xanh ùa vào mặt. lùa vào tâm hồn: Những bóng cổ thụ xanh tĩnh mịch, thâm trầm thả nắng và gió xuống khoảng sân nhỏ lát bằng những phiến đá suối xanh thạch tự nhiên. Những khóm những bụi cây không cắt tỉa rung rinh xanh chan nắng gió vào mình. Những khóm hoa bụi lá tía đỏ lấp ló ấp e giữa um tùm vòm xanh tươi tốt sinh sôi dọc lối đá mòn nhỏ dẫn ta đi sâu vào muôn ngóc ngách tiên cổ thần tích của góc văn hóa Bana. Một chòi lá nhỏ xinh chìm trong tán cây. Một gác bếp củi Bana, ấm nước phủ tro đen đang sôi khói tím. Ở giữa một căn nhà chính, trên những cột gỗ bạc màu xúm xít cây leo và những giỏ hoa đất, đôi bậc thềm rải sỏi bước lên nhà.

Bên tay phải khoảng sân, một nhà sàn gỗ thoáng gió, chân cột phủ đá. Tầng sàn trệt bày biện nhiều bộ bàn ghế làm từ nguyên những thân gỗ rừng đủ hình dáng, kích cỡ. Có cảm giác như chúng tôi đang ngồi thưởng thức café dưới những gốc cây rừng hoang sơ…

Đâu đó trong các ngóc ngách, rải rác đặt những bức tượng gỗ Bana. Những gương mặt đàn ông, phụ nữ Bana đứng trầm tư như nhớ nhung một điều gì…

Đi sâu vào cuối con đường đá mòn, tôi bắt gặp một vườn cây nữa róc rách nước chảy xuống cái ao sen nhỏ. Mặt nước lấp lóa ánh nắng… Một góc nhà sàn nữa trang trí nhiều vật dụng Bana cổ..

Pir, một cô gái Bana thật thà, dễ thương, có đôi mắt tròn sáng hồn hậu và nước da rám khỏe đặc trưng của người buôn làng vùng đất đỏ Bazan. Pir chủ động bắt chuyện với tôi, hồ hởi và ấm áp chân thành, cái tình người nồng hậu thuần khiết, đầy sức sống Tây Nguyên ngay lập tức ôm chầm lấy tôi, cuốn hút tôi vào những câu chuyện, vào ánh mắt, nét cười siết bao chân thật. Pir sinh năm 96.

Cô hồn nhiên và nhiệt thành kể cho chúng tôi lịch sử quán café Eva, những câu chuyện Bana về sông Đakla chảy ngược, về cầu treo Kon-lor, về chủng viện, về nhà thờ gỗ Nguyễn Huệ, về làng Konk’tu nổi tiếng lâu đời của người Bana giống như đồng bào Ede có buôn Akod’hong và Già làng trăm tuổi Amarin. Nhưng nhắc tới làng, Pir lại buồn buồn bảo rằng người Ede bây giờ vẫn còn giữ được nhiều buôn, nhiều nhà dài truyền thống, chứ làng người Bana bây giờ lại Kinh hóa nhiều lắm. Nhiều người Bana cũng vì hoàn cảnh mà hoặc là bán đất cho người Kinh làm ăn, hoặc là bỏ làng ra phố ở lẫn với người Kinh, lấy chồng lấy vợ người Kinh. Pir sợ cái gốc Bana đang mòn dần, mất dần.

Một chốc im lặng chùng xuống giữa ba người chúng tôi.

Tôi cũng buồn buồn, nhưng vẫn hỏi đùa Pir: “Pir có thích lấy chồng Kinh không hay lấy người Bana thôi?” Pir cười sáng lên: “Pir lấy chồng Bana thôi”.

Từ lúc vào quán bắt gặp Pir, tôi đã nói bâng quơ: “ Lên đây vẫn gặp nhiều người Kinh quá. Chỉ mong được gặp người gốc Tây Nguyên..”

Pir vừa đặt hai cốc trà mát xuống chiếc bàn làm từ thân gỗ rừng đã bóng mịn theo thời gian, vừa nhẹ một thoáng cười bảo: “ Người Kinh bây giờ đông quá. Biến người Bana thành thiểu số trên chính vùng đất quê hương của mình”
Giọng Pir hồn nhiên thật thà, không hề phải giọng oán trách, mà khiến tôi một thoáng chạnh lòng.

Tôi thấy mình lặng thinh và bối rối…
Văn hóa nguồn cội các dân tộc Tây Nguyên liệu có đang được bảo tồn đúng cách?

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here