minvitamoon-blog-italy-rome-vatican
Một góc vắng khách du lịch trong Vatican

Một mùa hè nước Ý nắng nóng tới khó tin… Một Châu Âu đổ lửa vào nước Ý. Như thể, bao nhiêu nắng nóng xứ trời Âu hạ, đem gom cả lại mà trút vào xứ này vậy. Giữa những ngày hè tháng 8 ấy, tôi và anh bước xuống sân bay Rome, sau một chuyến bay từ Paris.

Ngày đầu tiên đặt chân lên đất Ý, từ sân bay Rome, hai đứa tôi bắt bus chạy thẳng một mạch hơn 2 tiếng về L’aquila, thủ phủ của vùng núi cao Abruzzo – một tỉnh miền nam nước Ý, nổi tiếng với những ngọn núi và cao nguyên chót vót.

Anh trai của Tùng đang học tiến sĩ ở vùng L’aquila này, nên chúng tôi tới thăm anh, và được nhường cho hẳn một phòng riêng trong căn hộ “tiến sĩ độc thân” rộng rãi mà trống không của anh.

Vùng đất L’aquila chào đón chúng tôi bằng một cái nắng nóng khô khốc, chói chang vào ban ngày và trở lạnh vào đêm khuya. Đó cũng là lần đầu tiên sau hơn một tháng lang thang ở các thành phố Châu Âu, chúng tôi được nếm mùi cái nóng khô ngay giữa xứ ôn đới. Đây cũng là một đặc trưng của mùa hè Địa Trung Hải nước Ý, rất nóng, rất khô, và đặc biệt là những vùng núi cao lục địa như cái vùng L’aquila chúng tôi tới này, thì phải nói là nóng khô ngang sa mạc vào ban ngày. Bầu trời L’aquila vào giữa trưa dường như luôn căng ra không chút gợn, không một giọt mây. Ngước nhìn lên phía những mái nhà thì thấy những mảng trời vẫn xanh vắt mà phóng tầm mắt ra xa trên những đỉnh núi thì lại thấy màu trời như mờ đục đi vì nắng hanh. Đang quen và gần như là bị “nghiện ngập” với cái khí lạnh ôn đới se sắt, ngọt ngào ở Đức, Séc, Hà Lan, nay bỗng quăng mình vào giữa vùng đất “sa mạc Châu Âu” này, hai đứa tôi hầu như bị sốc nhiệt và chẳng thể đi dạo loăng quăng vào ban ngày. Chưa kể, vùng đất L’aquila này từng trải qua một trận động đất thảm khốc năm 2009, nên còn có rất nhiều đường xá, tòa nhà vẫn đang trong giai đoạn kiến tạo lại và cây cối ven đường thì hầu như chưa đủ lớn để làm bóng mát.

minvitamoon-blog-italy-laquila-abruzzo
Một góc thị trấn L’aquila vẫn đang trong quá trình kiến tạo lại

Có những buổi tối nằm trong nhà, thấy khí nóng hầm hập hấp thụ vào cơ thể mình mà lại tuyệt nhiên không đổ lấy một giọt mồ hôi vì quá khô, tới lúc đêm về sáng thì trời lại trở lạnh se se, khiến hai đứa tôi cứ một phen nóng lạnh mê man.

Nhưng may sao, cái nóng khô kì quặc đó không ngăn được chúng tôi có những kỉ niệm đẹp ở L’aquila. Một buổi tối, ba anh em nhâm nhi ba chú tôm hùm to tổ chảng do anh Tân biệt đãi chúng tôi, đến nỗi, tôi đã không thể ăn thêm một loại tôm cá nào những ngày sau đó. Có buổi khuya muộn, chúng tôi đứng uống trà ngoài sân thượng cho mãi tới gần sáng, nghe anh Tân kể những câu chuyện theo đuổi dự án tiến sĩ của anh.

minvitamoon-blog-italy-laquila-abruzzo
Đi dạo những bãi cỏ, lâu đài ở L’aquila

Buổi chiều mát, anh Tân dẫn chúng tôi đi dạo qua những công viên, bãi cỏ, thăm thú lâu đài trung cổ, và tối đến thì ăn tối cùng những người bạn của anh, cũng đang theo học tiến sĩ ở vùng L’aquila này. Họ đều là những bạn Việt trẻ, có bạn sinh năm 92, 93, tìm tới vùng L’aquila đồng không mông quạnh này để theo đuổi con đường tiến sĩ các chuyên ngành Toán, Tin, Vật Lý…Vì đều là những con người thuần nghiên cứu các bộ môn lý thuyết khoa học, nên những bạn trẻ này đều hiền lành và giản dị, ít được trải nghiệm các dư vị khác nhau của cuộc sống, tuy nhiên, trải nghiệm của họ lại được đo bằng những miệt mài, nỗ lực và những sự hi sinh trên con đường nghiên cứu họ đã chọn. Hai đứa tôi cũng đã có những buổi ăn tối vui vẻ nhẹ nhàng cùng những người bạn tiến sĩ trẻ này. Chúng tôi cùng nhau đi ăn sushi, thịt cừu nướng, pizza, mỳ pasta trứng và cả món kem Ý nổi tiếng, ngon ngậy mê tơi nhưng kích cỡ khổng lồ tới mức tôi và anh đành phải vứt bớt vì không thể tống hết vào bụng. Rồi cả bọn dắt nhau đi dạo quanh những con phố, quảng trường và đài phun nước cho tới tận khuya muộn, khi trăng đã lên cao và trời đêm L’aquila trở màu xanh đen trong vắt.

Những buổi sáng, anh Tân dẫn hai đứa tôi qua quán café quen để thưởng thức Capuchino hảo hạng của người Ý hoặc nốc ao những shot Espresso đậm đặc phong cách Ý, nơi chúng tôi hay bắt gặp những cô gái và chàng trai Ý gốc của xứ Abruzzo, với đôi mắt sâu màu sẫm và làn da rám nắng rắn rỏi, thanh mảnh và đều rất thân thiện, dễ thương. Nhưng có lẽ, cái mùi vị xứ L’aquila đọng lại trong tôi lâu nhất và sâu nhất, lại chính là loại rượu hoa Genziana đặc trưng của vùng núi cao Abruzzo, có màu vàng sánh và vị ngọt thẫm, hậu vị đắng đậm…

Đó cũng vô tình lại chính là hành trình dư vị nước Ý của hai đứa tôi, ngọt thẫm Genziana ở L’aquila và hậu vị đắng đậm tại thành Rome.

Đó là những ngày nắng nóng đỉnh điểm ở các vùng miền trung và cận nam nước Ý, cũng là những ngày đỉnh điểm du lịch tại thủ đô nước này.

Chúng tôi rời L’aquila từ sáng để tới Rome trên một chuyến xe bus đi hơn hai tiếng đồng hồ.

Cả thành Roma nóng bỏng như một đấu trường lửa và khô khốc như cái lòng chảo khổng lồ, với những dòng người du lịch ùn ùn từ khắp các châu lục đổ về, đặc biệt là những đoàn học sinh, sinh viên Âu Mỹ đi nghỉ hè.

Không thể phủ nhận được vẻ đẹp cổ kính và đường bệ của một Roma được xây dựng từ thế kỉ thứ VIII trước công nguyên – trung tâm nền văn hóa La Mã cổ đại với miên man những công trình kiến trúc đồ sộ, lẫy lừng, những quảng trường, nhà thờ, tu viện, thành quách, đấu trường, pháo đài cổ, các tượng thần, đài phun nước…tồn tại hiên ngang qua nhiều thời đại chinh chiến. Nhưng vì đến Rome vào giữa những ngày hè lục địa khô nóng ấy, nên tất cả những gì tôi thấy là một Rome nóng lửa và đông đúc, kiến trúc trác tuyệt nhưng mỏi mệt và rã rời trong nắng thiêu và trước sự tàn phá của làn sóng du lịch ồ ạt.

Thời tiết Rome những ngày chúng tôi đến phải nóng tới hơn 45 độ C, giữa trưa có khi còn nóng hơn, và một điều kì cục là càng nắng to thì lại càng ùn ùn những đoàn khách du lịch, nhất là những đoàn khách Âu Mỹ. Vì cả thành phố đầy rẫy những thành quách lâu đài khổng lồ và những đại lộ đường bệ thênh thang, nên những bóng cây lá kim cao vút dường như chẳng thấm vào đâu, và chỉ giống như những thứ đồ chơi trang trí vô dụng trên đường giữa trưa nắng.

Nhưng vì cũng là có cái duyên gặp mặt với thành Rome, nên tuy rằng nắng nóng vỡ đầu, chúng tôi vẫn rảo bước lê chân gần như hầu khắp các địa điểm Roma.

Từ thành quốc Vatican tráng lệ nhưng ngùn ngụt từng luồng khách du lịch, chúng tôi tới đấu trường La Mã Colosseum gần hai ngàn tuổi, hiên ngang hoành tráng nhưng dường như đã kiệt sức và bạc phếch theo năm tháng; qua khu bảo tồn Đồi Palatine gần cổng Titus, nơi có những di tích khai quật còn nguyên sơ hình hài của những cột, những dãy đá xếp hình thành những ngôi nhà và sân vận động; nằm gần trong khu đồi là một nhà thờ cổ yên tĩnh – nơi duy nhất chúng tôi tìm được chút bóng mát trong cả hành trình lang thang thành Rome nắng cháy.

minvitamoon-blog-italy-rome
Trốn cái nắng thành Rome trong những góc phố nhỏ
minvitamoon-blog-italy-rome
Một ngõ nhỏ ở Rome

Chúng tôi luồn lách vào những con phố, ngõ hẻm nhỏ lát đá đặc trưng kiến trúc Châu Âu để tránh được chút nắng Roma, đi qua những góc phố vắng hiếm hoi đậm phong cách Baroque, băng qua cây cầu bắc trên sông Tiber để tới lâu đài Saint Angel, tranh thủ ngồi thở dưới những bóng cây đại thụ.

minvitamoon-blog-italy-rome
Góc phố Rome
minvitamoon-blog-italy-rome-tiber
Cây cầu bắc qua sông Tiber (cạn nước vì nóng khô)

Khi chúng tôi tới đền thờ Patheon danh tiếng, bám trụ qua nhiều thời đại trong nền kiến trúc Châu Âu như một biểu tượng lâu đời với cấu trúc mái vòm hình bán cầu và những hàng cột trụ kinh điển từ đá cẩm thạch trắng, tôi thực sự chỉ kịp nhận ra những cột trụ đồ sộ của một Pathenon cổ kính, khổng lồ, còn lại toàn bộ phần kiến trúc bên trong lẫn bên ngoài, thật không may đã bị che lấp hết bởi từng đoàn, từng hàng người đông đúc đứng vây quanh hoặc xếp hàng chờ vào bên trong.

Ngày hôm sau, chúng tôi cố gắng quay lại Vatican lần nữa vào lúc sáng sớm, với hi vọng xếp hàng thành công vào trong nhà thờ Thánh Peter và nhà nguyện Sistine Chapel, để được tận mắt ngắm kiệt tác tranh mái vòm về câu chuyện Sáng Thế và bức bích họa “The Last Judgement” (Sự Phán Xét Cuối Cùng) của danh họa thời Phục Hưng Michenlangelo. Nhưng mọi chuyện vẫn tương tự như ngày trước đó, hàng người xếp hàng vẫn dài dặc và thời tiết Roma thì vẫn không ngừng nắng nóng gắt gỏng từ sáng. Vốn không chịu được xô bồ, chúng tôi lại lang thang đi dạo vòng quanh Vatican, qua những hành làng và tượng đài đồ sộ, ngắm nhìn những những người lính canh Thụy Sĩ trong trang phục sặc sỡ đổi phiên gác, cố gắng tìm thấy chút linh hồn tĩnh lặng của những lớp kiến trúc hoàn hảo từ một góc hành lang cột đá vắng vẻ nào đó hoặc dưới chân một tượng đá khổng lồ.

minvitamoon-blog-italy-rome-vatican
Vatican city

Buổi chiều, chúng tôi qua đài phun nước Trevi kinh điển, nơi hàng năm chính quyền thành phố vẫn vớt lên được cả triệu đô tiền xu may mắn mà khách du lịch bốn phương ném xuống cho những điều ước của mình. Cũng không khác Colosseum và Vatican là bao, đài phun nước Trevi nổi danh xinh đẹp với những bức tượng điêu khắc mềm mại, quyến rũ và làn nước trong xanh vắt cũng trở nên nhộn nhạo và chật ních những người và người, kẻ đứng người ngồi chi chít xung quanh khu vực đài phùn nước vốn cũng to rộng, đường bệ. Khách du lịch đổ về đài phun nước Trevi hôm đấy lại càng đông đúc hơn bao giờ hết sau một buổi trưa nóng nảy lửa.

Buổi tối ấy, chúng tôi cũng có được chút mát mẻ hiếm hoi khi đi dạo tới quảng trường Piazza del Popolo, ngay dưới khu vườn Pincio để ngồi hóng mát bên cạnh một đài phút nước nhỏ nhưng vắng vẻ hơn.

Có lẽ, ấn tượng tuyệt vời duy nhất của hai đứa tôi về thành Rome chỉ đơn giản là những vòi phun nước mát tự động ngày đêm xuất hiện khắp nơi trong thành phố, dọc đường đi, trên vỉa hè… Điều cứu cánh duy nhất cho hai đứa tôi trong cuộc hành xác giữa thành Rome nắng cháy chính là những vòi phun nước uống mát lạnh ấy. Cứ đi vài bước, chúng tôi lại dừng bên một vòi nước phun từ mạch ngầm, để té nước lạnh lên mặt, để ghé miệng uống nước cho thỏa thuê, để lấy đầy chai nước đem theo người.

Ngày cuối cùng, nước Ý chia tay chúng tôi bằng một kỉ niệm đau đớn khó quên, lí do tại sao tôi đã nói hành trình nước Ý của tôi có hậu vị đắng đậm. Nguyên văn là buổi tối trước ngày rời Rome, chúng tôi check out sớm vì không muốn tốn thêm tiền cho một đêm nữa, vì sáng hôm sau cũng phải rời đi rất sớm ra bến bus. Tôi và anh tuy mệt rã rời sau một hành trình dài cộng thêm những ngày hành xác thành Rome, vẫn quyết định sẽ ngồi chờ qua đêm ở bến xe cho kịp chuyến bus rẻ nhất và sớm nhất ra sân bay lúc 4h sáng. Chưa kể trước đó, hai đứa tôi đã phải kéo vali nặng lê đi lết lại khắp bến xe Rome để tìm chuyến bus và bến bus chính xác ra sân bay, vì hệ thống phương tiện giao thông công cộng của Rome không hề logic như các thành phố Châu Âu khác tôi từng qua. Chúng tôi kéo lê từ dãy nhà này sang dãy nhà kia, qua những hành lang ngổn ngang nằm ngồi những người vô gia cư đủ mọi màu da, quốc tịch; vòng vèo từ lúc tối trời oi bức cho tới tận đêm khuya chuyển lạnh. Đêm đến, sau khi đã ngồi hàng giờ ở góc vỉa hè này xó hành lang kia của bến xe, hai đứa tôi kéo nhau ra một quảng trường ngã tư, cố nằm chợp mắt giữa cảnh màn trời chiếu đất, cạnh một đài phun nước, đến quá khuya thì vừa lạnh run vừa đói mệt. Nhưng khổ nỗi, cũng chỉ có mỗi vị trí đài phun nước này là có thềm đá bằng phẳng để nằm nghỉ, mà lại gần để chạy ra vị trí bến bus nhất. Suốt nhiều tiếng đồng hồ đêm ấy, hai đứa tôi uống nước cầm hơi và ăn ít bánh ngọt còn sót lại, cuộn mình trong áo khoác mỏng, thay phiên nhau ngủ và trông đồ. Đêm Rome trở lạnh, mà nằm cạnh đài phun nước thì lại càng lạnh hơn. Đã thế lúc nửa đêm, còn xuất hiện hai thanh niên vừa quẩy phê pha ở một party nào, nhảy ùm xuống đài phun bơi lội té nước, chỉ nhìn thôi cũng lại càng lạnh phát run.

Cả đêm nằm đá cứng gió lạnh, cả người tôi đau nhức rã rời. Tới gần 4h sáng thì chúng tôi lê vội ra bến bus, khấp khởi vì sắp bắt được chuyến bus rẻ đầu tiên ra sân bay sớm. Nhưng sự tồi tệ chưa dừng lại, trong suốt cả tiếng đồng hồ sau đó, chúng tôi chẳng thể chen lên được bất cứ chuyến bus nào trong ba chuyến bus sớm liên tiếp, vì hóa ra, cũng có hàng tá thanh niên du lịch bụi xô đẩy chen chúc nhau để lên bằng được những chuyến bus rẻ đó, đẩy văng hai đứa Việt Nam nhỏ thó, mỏng tanh là chúng tôi dúi dụi ra ngoài. Quá nản và mệt mỏi, anh và tôi, sau một đêm màn trời chiếu đất chờ xe bus rẻ, cuối cùng vẫn phải gọi một chiếc uber giá đắt hơn nhiều để chạy ra sân bay cho kịp chuyến bay 6h sáng.

Vừa kịp vào check-in, tưởng mọi chuyện đã xong, nào ngờ hãng Ryan air và nhân viên ở sân bay lại giở trò phạt lệ phí 100 Eur vì chúng tôi đã không check-in online. Họ khiến chúng tôi phải xếp hàng chờ mấy chục phút để “được” nộp tiền phạt và lấy về một cái giấy “mạo danh” vỏn vẹn mấy dòng chữ “nộp phạt hành lí quá cân”, lộ rõ bản mặt tham nhũng ăn tiền của nhân viên sân bay địa phương.Vì phải chờ nộp tiền lấy được cái tờ giấy “vu khống” ấy, chúng tôi mới được làm thủ tục check-in, nên suýt chút nữa, hai đứa tôi đã lỡ toi mất chuyến bay sớm ấy. Rất may, hai đứa đã vừa kịp khít làm hai hành khách cuối cùng được on board. Tất nhiên đã có những hành khách bị nhũng nhiễu giống chúng tôi, và thậm chí còn bị xui rủi đến mức lỡ chuyến bay và chỉ biết than khóc mà không được giải quyết.

Câu chuyện thành Rome nước Ý của chúng tôi kết thúc bằng một quả đắng như vậy. Mặc dù, tôi biết rằng mình đã không may trong cơ duyên gặp gỡ với nước Ý lần này, rằng có lẽ chúng tôi đã đến Rome vào sai thời điểm, và rằng hãy còn đó biết bao nhiều thành phố và ngôi làng xinh đẹp khác của nước Ý mà chúng tôi chưa được đặt chân qua, nhưng cái ấn tượng xấu xí, đắng chát về Rome trong lần đầu gặp mặt này vẫn khiến tôi khó mà quên nổi. Một Roma nguyên sơ cổ đại với những lớp kiến trúc trác tuyệt, nhưng bạc thếch, rã rời trong cái nóng ran của một mùa hè nước Ý biến đổi khí hậu và làn sóng du lịch khủng khiếp!

Tất nhiên, tôi nghĩ, âu cũng là một kỉ niệm đa vị trong chuyến Châu Âu ba tháng đủ màu sắc của hai đứa tôi.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here