“Thực Dụng” – Hai chữ này đừng vì định kiến thiển cận người ta vô hình chung gán cho nó mà vơ đũa cả nắm cho rằng nó thuần túy tiêu cực hay giản đơn nông cạn.
Cái vỏ ngữ nghĩa thô sơ khô khốc mà người ta tiêu cực hóa cho nó chẳng qua là vì những kẻ thực dụng thô lậu theo những hình thái quá ư đơn thuần như là thực dụng vì tiền, thực dụng danh lợi, thực dụng chiếm tiện nghi…đã thiển thô áp dụng. Những kiểu, những kẻ thực dụng như vậy thật nông giản dễ đoán và quá ư dễ dàng bị thao túng, không đáng dụng thực! Mọi người hầu hết bị nghĩ từ Thực Dụng theo hướng này hoặc thực hành nó theo hướng này.
Thực Dụng mà biết ngẫm thấu đáo thực ra mang nội hàm rộng lớn và sâu sắc hơn nhiều, không hề giản đơn tiêu cực mà cũng chẳng phải thuần túy tích cực. Nó thực mang trong mình một sự trung tính biến hóa vô cùng, có thế trợ giúp người ta trong nhiều đoán định và quyết định!
Cái Thực Dụng trung tính tinh vi vượt qua khỏi những thực dụng thô lậu đơn thuần, hướng tới những suy tính đa diện đa chiều – đa phương có lợi. Người thực dụng tinh vi không dễ đoán, khó thao túng, không cầu toàn mong được tất cả nhưng tuyệt đối không bao giờ để mất tất cả không một chút thuận lợi cho mình. Người thực dụng tinh vi luôn suy tính nhiều khả năng dựa trên Đa phương có lợi, bất lợi thì phải cùng chia, không mong toàn mỹ lợi cả chín mười phần nhưng ít nhất cũng phải chắc chắn đến hơn sáu, bảy phần mới làm.
Tóm lại Thực Dụng tinh vi không mong lợi tất cả cho mình nhưng chắc chắn không bao giờ để mình hoàn toàn bất lợi, không thuần túy trục lợi trước mắt mà hiển nhiên chấp nhận sẻ chia lợi ích vì một lợi ích to lớn, lâu dài hơn; không tay không mà cầu cạnh ai mà cũng chẳng để ai tay không mà dựa dẫm mình; biết đánh đổi lui tiến nhưng phải luôn tạo cho mình một con đường lui có lợi trong trường hợp tứ phương bất lợi; tuyệt đối không chủ tâm làm điều phi nghĩa nhưng tuyệt nhiên không mù quáng ban thiện nguyện nhầm chỗ; chủ trương “Suy nghĩ hại người không thể có nhưng suy nghĩ đề phòng người không thể không có”
Thực Dụng còn có thể nội hàm rộng hơn nữa, tùy vào phẩm chất và tư duy của mỗi người, để thực sự “Không làm hại ai, nhưng không được để ai phương hại mình”