minvitamoon-blog-tam hon-mot manh tinh con

Năm 1911, tại bến cảng Nhà Rồng,  có một người thanh niên ra đi với khát khao định nghĩa nước Nam trên bản đồ thế giới
Sau 106 năm, năm 2017, tại những “bến cảng” đó đây, có vẻ như vẫn còn nguyên đó nỗi trăn trở định nghĩa Việt Nam trên “bản đồ thế giới”?!

Hơn 100 năm có lẻ, những thế hệ người Việt vẫn chưa định nghĩa xong đất nước của mình, vẫn chưa cởi trói xong tư duy của mình, vẫn chỉ giỏi tự chơi với nhau sau “lũy tre làng”, vẫn chẳng hiểu, chẳng quan tâm, chẳng tự tin giao tiếp được với thế giới. Người BÀI ngoại thì bài bằng hết, kẻ Ỷ ngoại thì ỷ như điên. Tự tôn thì cực đoan quá thể hóa thành tự ti, mà tự ti thì ngụy biện quá đáng coi đó là tự tôn.

Chẳng biết có mấy ai thực sự hiểu và theo đuổi ý nghĩa của sự cân bằng văn hóa từ nội tại? Để biết vun tưới cho cái gốc Việt rắn rỏi, mạnh mẽ và sinh sôi? Để mà đâm chồi, vươn nhánh sum xuê cùng những tán cây muôn rừng? Để hiểu thấu văn hóa mình và biết sẻ chia văn hóa người? Đề đồng điệu mà không đồng hóa?

Lại nhớ mùa xuân Mậu Thìn năm 1932, cái thưở cả nước mới có 25 triệu dân, Tản Đà tận thời bấy giờ đã phải “xuân cảm” mà thốt lên:
“Dân hai nhăm triệu ai người lớn?
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”

Lại gần 100 năm sau, dân số cả nước đã gấp gần 4 lần, ấy thế mà giờ này vẫn còn phải bảo với nhau:
Tuổi thọ trung bình thấp, Tuổi thơ trung bình cao,
Đích thị là Việt Nam.

Cứ đà này thì Tản Đà có sống lại vào mùa xuân 2020, vẫn cứ phải tự “cover” “Mậu Thìn Xuân Cảm” bản 1932 của mình , chỉ thay số liệu:
“Dân hơn trăm triệu ai người lớn?
Nước mấy nghìn năm vẫn trẻ con”

–Một Mảnh Tình Con–

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here