Sapiens-Luoc-Su-Loai-Nguoi-featured-image

Cuốn sách Sapiens: Lược Sử Loài Người có tên gốc Tiếng Anh là Sapiens: A Brief History of Humankind, được viết bởi Tiến sĩ Lịch sử người Isarel Yuval Noah Harari. Từ khi xuất bản, cuốn sách đã gây được tiếng vang và sức hấp dẫn lớn trong cộng đồng của cả những nhà khoa học chuyên môn lẫn những độc giả bình thường có lòng ham mê đọc sách như tất cả chúng ta.

Tuy là một cuốn sách non-fiction thuần túy tri thức Khoa học – Lịch sử, nhưng Yuval Harari lại biết cách sử dụng một lối ngôn ngữ kể chuyện fiction hết sức lôi cuốn và mềm mại, không hề khô khan khó hiểu.

Đối với những bạn trẻ hiếm khi đọc sách khoa học non-fiction mà phần lớn thời gian dành đọc các tiểu thuyết fiction thì sẽ cần chút thời gian để làm quen cuốn sách này, nhưng chắc chắn rồi bạn cũng sẽ thấy nó hấp dẫn như bất kì cuốn tiểu thuyết yêu thích nào.

Đối với những bạn có xu hướng mong chờ lối tư duy giải đáp chính xác và đòi hỏi tính logic chuẩn mực cao, thì khi mới tiếp xúc chương đầu của cuốn sách, bạn sẽ phần nào có cảm giác hơi “khó chịu” vì cuốn sách chẳng giải đáp cái gì tuyệt đối cả. Tất cả đều được đưa ra dưới dạng các giả thuyết tranh luận mang tính tương đối, giả định, có thể đúng nhưng cũng có thể sẽ sai lầm; luôn luôn bao gồm một bên các nhà khoa học ủng hộ và một bên kia phản đối. Tuy nhiên, đây lại chính là cách tiếp cận logic của toàn bộ cuốn sách, đưa ra luận điểm rồi sau đó là hàng loạt các dẫn chứng và giả thuyết, cùng với các lập luận logic để rồi lại thêm vào những giả định hoài nghi gần như là lật ngược vấn đề. Chính điều này lại tạo nên sức hấp dẫn và tính logic khoa học của cuốn sách, tóm lược được những nguồn tri thức quan trọng và đáng tin cậy nhất về cả một quá trình hình thành và phát triển của loài người, từ những ngày đầu khởi thủy từ một động vật không hề nổi trội cho đến những ngày trở thành sinh vật bá chủ quả địa cầu và làm biến đổi hệ sinh thái của cả hành tinh.

Vậy cách tiếp cận phù hợp và dễ dàng nhất với cuốn sách khoa học thú vị mang ngôn ngữ “bình dân” này chính là một tư duy cởi mở và một tâm hồn dí dỏm thư giãn, kèm theo chút suy luận, tưởng tượng. Bởi vì đây cũng chính là cách tiếp cận của tác giả khi viết cuốn sách bao gồm cả một hệ thống khổng lồ các tri thức Lịch sử – Khoa học – Tôn giáo – Chính trị – Kinh tế…, được đúc rút tinh giản, cô đọng mà không kém phần sâu sắc này.

Bạn sẽ thấy Yuval tiếp cận độc giả bằng một lối kể chuyện tự nhiên, dí dỏm và một tư duy hết sức khách quan, biện chứng, ít khi khẳng định tuyệt đối nhưng giàu sức gợi mở những suy luận và kích thích các liên tưởng hợp lý.

Bạn cũng sẽ nhận ra ở phần chú thích cuối cùng của cuốn sách một sự thật rằng, để kể một câu chuyện khoa học thông minh có vẻ như thư thái như thế, trung bình Tiến sĩ Yuval đã phải nghiên cứu tổng hợp một nguồn tư liệu đồ sộ khoảng hàng chục tư liệu cho mỗi chương. Cả cuốn sách gồm 20 chương, vậy tổng cộng nguồn tư liệu tham khảo có thể lên tới trên dưới 200 công trình khoa học, chưa kể quan trọng hơn là công trình nghiên cứu và phân tích của chính tác giả.

Hãy hình dung, trên 200 công trình nghiên cứu khoa học về mọi mặt lĩnh vực Khoa học, Lịch sử, Kinh tế, Chính trị, Tôn giáo, Sinh Hóa học, Tâm lý học….về cả một tiến trình hình thành, tiến hóa và phát triển của loài người từ sau khi vật chất, năng lượng, thời gian và không gian đầu tiên xuất hiện khoảng 13.5 tỉ năm trước trong vụ nổ Big Bang, cho tới tận thời hiện đại ngày nay. Tất cả được tổng hợp và trình bày trong cuốn sách hơn 500 trang này dưới dạng câu chuyện kể hết sức lý thú và khơi gợi sự tò mò vô biên. Một cuốn bách khoa toàn thư về lịch sử loài người dưới dạng những câu chuyện dí dỏm, dễ hiểu như vậy thật quá đáng để tìm đọc, phải không?

Cuốn Sapiens: Lược Sử Loài Người này có thể mang đến cho bạn rất nhiều những đúc rút tri thức mới mẻ và đột phá – những “plot twist” bất ngờ gây giật mình, hoặc làm sâu sắc hơn cho những giả thuyết bạn đã từng biết đến, hoặc đồng thời cũng có thể khái quát lại một cách đơn giản hóa những kiến thức Lịch sử – Xã hội phức tạp bạn đã từng thu lượm.

Đọc đến đây, nếu không muốn bị “spoil” một vài tri thức bất ngờ của cuốn sách, bạn có thể nên tìm mua ngay trước khi đọc tiếp phần review sau.

Nhưng cũng có thể, nếu bạn cần một cái nhìn tổng quan về toàn bộ cuốn sách, thì hãy đọc tiếp để dễ dàng tóm lược những tri thức mấu chốt được cuốn sách đề cập; và thực ra, nó cũng chẳng phải kiểu spoil trầm trọng như xem phim hay đọc tiểu thuyết.

Ở đây, mình xin được tóm lược những tri thức quan trọng của cuốn sách thông qua các Tri thức mấu chốt (là các tri thức thuần túy được cuốn sách đề cập đến) và các Tri thức suy luận thêm (được bản thân mình tự đúc rút từ cuốn sách kết hợp với các nguồn tham khảo khoa học khác đã biết)

I. Phần 1- Cách Mạng Nhận Thức

Tri thức mấu chốt 1:

Xuyên suốt cuốn sách, loài người chúng ta nói chung được gọi chính xác bằng cái tên khoa học riêng là Homo Sapiens, để phân biệt với rất nhiều “loài người” đã từng cùng tồn tại song song trong lịch sử, như loài Homo Rudoffensis (từng tồn tại ở Đông Phi), loài Homo Erectus (từng tồn tại ở Đông Á), loài Homo Neanderthalensis (từng tồn tại ở Châu Âu và Tây Á) – những “loài người” đã cùng chung sống trên hành tinh Trái Đất với loài người tổ tiên của chúng ta hiện nay (cả loài người tổ tiên và tất cả chúng ta hiện nay đều là loài Homo Sapiens) trong suốt khoảng thời gian từ hơn 2 triệu năm trước cho tới khoảng 13,000 năm trước – khi mà loài người Homo Floresiensis tuyệt chủng nốt, chỉ còn sót lại duy nhất loài người Homo Sapiens là chúng ta (một thực tế rất có thể đã được tạo ra bằng những sự diệt chủng thảm khốc gây ra bởi chính loài người tham vọng Homo Sapiens???).

Sự thật ngỡ ngàng rằng đã từng có nhiều “loài người” cùng nhau tồn tại song song có thể khiến chúng ta ban đầu giật mình. Nhưng nghĩ cho kĩ thì tại sao lại không nhỉ? Chúng ta đã quá quen với việc có rất nhiều loài khỉ, nhiều giống chó và vân vân các loài lợn cùng nhau tồn tại cho tới tận ngày nay. Vậy tại sao loài người lại chỉ có một “giống” mà không thể là rất nhiều “giống”?

Tri thức suy luận và tổng hợp thêm từ các nguồn khoa học:

Tất nhiên, bạn không được nhầm lẫn cơ bản rằng người da đen, da trắng hay Châu Á là các giống người khác nhau. Tất cả con người trên Trái Đất hiện nay đều được khoa học chứng minh là một giống người Homo Sapiens, với cấu trúc gen giống nhau tới 99,9%. Chỉ có một 0.1% là khác biệt – gọi chung là sự bất bình đẳng về mặt sinh học giữa các cá thể người. Sự bất bình đẳng sinh học này đã từng bị nhầm lẫn thành sự bất bình đẳng giữa các quần thể người (da đen, da trắng, da vàng…), gây ra những vết nhơ phân biệt chủng tộc khủng khiếp trong lịch sử loài người. Nhưng thực tế, khoa học chính xác ngày nay lập luận rằng, sự khác biệt 0.1% về gen kia chỉ thể hiện sự bất bình đẳng sinh học (tức là sự khác biệt sinh học) giữa các cá thể người – giữa một cá nhân này với những đặc tính, thể trạng sức khỏe, sở thích, năng khiếu, sự quan tâm… riêng biệt với một cá nhân kia với những đặc tính, thể trạng sức khỏe, sở thích, năng khiếu, sự quan tâm… riêng biệt khác. Chứ hoàn toàn không phải là sự bất bình đẳng sinh học giữa các quần thể người mà hiện chỉ đang phân biệt bằng các đặc tính bề ngoài về màu da, lãnh thổ…, chứ không hề phân biệt bằng bộ gen trung bình người da trắng khác với bộ gen trung bình người da đen hay da vàng. Không có một bộ gen trung bình cho một nhóm sắc tộc như thế, chỉ có từng bộ gen cá thể phân biệt giữa các cá nhân mà thôi.

Tri thức mấu chốt 2:

Chi Homo (bao gồm các loài người Homo sau này) đã bắt đầu tiến hóa từ 2.5 triệu năm trước ở châu Phi. Khoảng 2 triệu năm trước, các loài người bắt đầu tiến hóa khác nhau từ một chi Homo, tạo ra các loài người Homo khác nhau, tỏa ra các lục địa Á-Âu.

Khoảng 300,000 năm trước, lửa bắt đầu được phát hiện ra và dùng trong sinh hoạt, bởi các loài Homo đã tiến hóa trước loài Homo Sapiens là chúng ta, ví dụ như loài Homo Neanderthal (phát triển 500,000 năm trước ở châu Âu và Trung Đông). Homo Sapiens là một loại người phát triển sau vào 200,000 năm trước ở Đông Phi, và trong suốt cả trăm năm sau đó, loài Homo Sapiens này chẳng hề có sự vượt trội nào hơn so với các loài người khác, thậm chí không muốn nói là có phần yếu kém hơn về thể chất và kích thước não bộ.

Thế nhưng cho tới thời điểm khoảng 70,000 năm trước, một cuộc Cách mạng nhận thức đã xảy ra trong cộng đồng loài Homo Sapiens, xuất phát từ một sở thích ngẫu nhiễn của loài Sapiens này đó là: thích tán chuyện.  Họ đã bắt đầu tán dóc những câu chuyện “gossip” ngoài lề về các con Sapiens khác, bên cạnh những thông tin chính quan trọng hơn về mối nguy hiểm và các con mồi như tất cả các loài người và loài vật khác vẫn thường tập trung thông tin cho nhau bằng tiếng kêu riêng. Những tiếng kêu của loài Sapiens đã bắt đầu thoát ra khỏi những thông tin chính về nguy hiểm và con mồi, và tìm cách lan man sang biểu đạt các câu chuyện phiếm ngày một nhiều lên trong cộng đồng Sapiens. Các âm thanh tiếng kêu của loài Sapiens vì thế dần dà trở nên đa dạng, linh hoạt hơn (cơ sở hình thành ngôn ngữ khởi thủy của loài Sapiens giúp truyền tải nhiều thông tin hơn so với các loài người khác). Điều đó dẫn đến khả năng hợp tác tốt hơn của loài Sapiens trong chiến đấu săn mồi và tranh giành tài nguyên với các loài người khác.

Từ sở thích ngẫu nhiên là tán gẫu chuyện phiếm có vẻ như ngớ ngẩn và tầm thường này, loài Sapiens đã trở thành loài người đầu tiên kể được những thông tin nằm ngoài những thực tế mắt thấy tai nghe, mà sau này hình thành nên “các câu chuyện tưởng tượng” khởi đầu Lịch sử và gắn bó xuyến suốt tiến trình phát triển của loài Homo Sapiens cho tới tận ngày nay. (Đọc Chương 2 trang 37- 55 để hiểu rõ hơn về khái niệm các câu chuyện tưởng tượng). Chính nhờ những câu chuyện tưởng tượng, khả năng hư cấu ra những điều có sức mạnh gắn kết, các cộng đồng Sapiens đã tạo nên Cách mạng nhận thức và bắt đầu mở ra kỉ nguyên phát triển mới cho loài Homo Sapiens.

II. Phần 2 – Cách Mạng Nông Nghiệp

Tri thức mấu chốt 3:

Khoảng 12 nghìn năm trước, loài Sapiens bắt đầu bổ sung vào việc đi thu lượm lúa mì dại bằng việc tự gieo trồng chúng. Các hoạt động thuần hóa, gieo trồng các loài cây hoang dã khác như ngô, kê, khoai tây… bắt đầu diễn ra đồng thời trong các cộng đồng Sapiens ở nhiều nơi khác nhau. Cách mạng nông nghiệp bắt đầu hình thành từ đây, tưởng như là một bước tiến hóa vĩ đại cứu rỗi con người khỏi sự phụ thuộc vào các thực phẩm hoang dã hái lượm từ tự nhiên, nhưng hóa ra – plot twist – lại là một cái bẫy xa xỉ sập xuống loài Sapiens, khiến Sapiens phải vất vả, cực nhọc quần quật suốt năm này qua tháng khác để “phục vụ” các loại thực vật nông nghiệp (lo lắng, chăm sóc, bảo vệ cho chúng an toàn khỏi thiên tai sâu bệnh…) – thứ mà sau này lại là bắt nguồn của những cuộc chiến tranh bộ lạc đầu tiên tranh giành đất đai trồng trọt và cả những nạn đói tồi tệ do sự tăng trưởng quá nhanh của số lượng người)

Tri thức suy luận và tổng hợp thêm:

Sự lo lắng về tương lai và nỗi ám ảnh lập kế hoạch lâu dài của con người (khiến con người không bao giờ còn có thể sống ở thì hiện tại như các tổ tiên săn bắt hái lượm đã từng) hóa ra đã bắt nguồn từ buổi bình minh Cách mạng nông nghiệp. Mà Cách mạng nông nghiệp được tác giả cuốn sách gọi là một sự lừa dối lớn nhất trong lịch sử, một cái bẫy xa xỉ đã sập xuống và ko thể thoát ra. Vậy suy ra, sự lo âu tương lai, kế hoạch của con người trong suốt tiến trình lịch sử chính là hệ quả của một sự lừa dối, một cái bẫy bủa vây tâm trí con người.

(Đọc Chương 2 – Cái bẫy xa xỉ từ trang 108 – 114 để hiểu thêm)

III. Phần 3 – Sự Thống Nhất Của Loài Người

Tri thức mấu chốt 4:

Những câu chuyện tưởng tượng thành công và duy trì lâu dài xuyên thời gian nhất trong lịch sử loài người lại chính là: Tiền tệ, các Đế chế và Tôn giáo. Tất cả đều là các thực tại liên chủ quan (một thực tại không khách quan, được tạo ra chủ quan và nhiều người cùng tin vào), tồn tại như những huyền thoại được tạo ra đế tất cả con người cùng tin vào chúng, nhằm tiến đến những sự thống nhất ngày càng lớn dần của thế giới loài người.

Các khái niệm (hay các “huyền thoại tưởng tượng”) Tiền tệ, Đế quốc và Tôn giáo này ban đầu được tạo ra để thúc đấy việc hợp tác giữa những người xa lại, để hướng một số lượng người đông đảo nghĩ về những mục tiêu chung; nhưng đồng thời cũng lại chính là những cỗ máy hủy diệt đã tàn phá các giá trị nhân văn và gây ra biết bao vết nhơ chiến tranh thuộc địa, diệt chủng người bản địa và nạn phân biệt chủng tộc trong suốt tiến trình lịch sử loài người….

(Đọc Phần 3 để hiểu rõ hơn)

Ngày nay, nhân loại đang dần hình thành một Đế chế Toàn cầu. Bên cạnh đó, những công ty toàn cầu, những tổ chức phi chính phủ bành trướng cũng đang dần hình thành những đế chế không biên giới mới….

III. Phần 4 – Cách Mạng Khoa Học

Tri thức mấu chốt 5:

Khoảng 500 năm trước bắt đầu kỉ nguyên của Cách mạng Khoa học.

Các chuyến thám hiểm vươn xa ra thế giới xa xôi đầu tiên từ cuối thế kỉ 15 (chuyến thám hiểm tìm ra Châu Mỹ của Colombus) đã khơi dậy sự tò mò và tham vọng chinh phục mãnh liệt cho người Châu Âu.Từ đây bắt đầu kỉ nguyên của Châu Âu nhảy cóc  sang những vùng đất  bí hiểm xa xôi để xâm chiếm thuộc địa, tạo điều kiện cho Khoa học kĩ thuật được đầu tư phát triển để phục vụ mục đích quân sự. Nhưng đồng thời Khoa học cũng phát triến song song những thành tựu riêng phi quân sự, và ngày càng hỗ trợ nhiều hơn không chỉ trong các công cuộc xâm chiếm và cai trị thuộc địa của các cường quốc Châu Âu, mà còn mở mang ra biết bao tri thức và đức tin mới cho con người.

Tri thức suy luận và tổng hợp thêm:

Sự phát triển chênh lệch của Châu Âu so với Á – Phi:

Cuốn sách có viện dẫn một thực tế: Từ thế kỉ 18 về trước, châu Âu chỉ là một người lùn kinh tế. Vào thế kỉ 18, Châu Á vẫn vượt trội với thành tích chiếm đến 80% sản lượng kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, bán đảo Anh và vùng Tây Âu đã là một vùng hoang vu hẻo lánh rất lâu

Thế mà chỉ từ nửa sau thế kỉ 19, Châu Âu vươn lên đứng đầu. Sang thế kỉ 20, Âu Mỹ chiếm hơn nửa sản lượng kinh tế toàn cầu. Trung Quốc (Đế quốc Châu Á ngày nào) rớt xuống 5%.

Tại Sao Vậy?!

Có thế tóm lược lí giải bằng một câu chuyện hợp lý:

Từ cuối thế kỉ 15, khi khoảng cách kĩ thuật giữa Âu Á Phi chưa rõ nét, một nhóm những người châu Âu tinh hoa mang trong mình sự tò mò mãnh liệt về thế giới đã xuất hiện ý tưởng đi khám phá các vùng đất và các tuyến đường biển mới. Ý tưởng khám phá nghiên cứu thế giới này lại may mắn được hậu thuẫn bởi những nhà cầm quyền đế chế thức thời ở Châu Âu bấy giờ (do nhìn thấy được lợi ích mở rộng thuộc địa hoặc cũng có thể do một sự trùng hợp ngẫu nhiên….) (Ví dụ như trường hợp “khởi nghiệp” của Colombus xin được tài trợ của nữ hoàng Tây Ban Nha, sau các thất bại xin tài trợ thám hiểm của vua Bồ Đào Nha hay các nơi khác ở Anh Ý Pháp).

Như vậy, từ một nhóm người tinh hoa Châu Âu với tham vọng khám phá, được nữ hoàng Tây Ban Nha hậu thuẫn à khám phá ra vùng đất mới Châu Mỹ à Những đoàn thám hiểm Tây Ban Nha vài trăm người tham vọng và thủ đoạn bắt đầu chiếm được những đế chế châu Mỹ to lớn không biết gì về thế giới bên ngoài à Cơn sốt khám phá và chiếm lĩnh những vùng đất chưa được biết tới lan rộng dần khắp các vương quốc châu Âu. Trong khi các đế chế phát triển sớm ở Á Phi vẫn không để ý đến hiện tượng châu Âu làm chủ Châu Mỹ, vẫn tự coi mình là trung tâm thế giới mà không nghĩ đến những hiểm họa tương tự sẽ xảy ra với mình (Đọc trang 370)

Dần dà, các cường quốc Châu Âu hình thành các tổ hợp Quân sự – Công nghiệp – Khoa học chuyên đi thám hiểm các vùng đất mới xa xôi. Và cuối cùng, Châu Âu lần lượt chinh phục thành công Châu Mỹ – Châu Úc,  đạt được uy thế lớn trên biển chủ yếu do các cường quốc Châu Á đã ít thể hiện sự quan tâm đến chúng.

Có thể tổng kết nguyên nhân Châu Âu đã bắt đầu vươn lên đứng đầu thế giới, vượt xa Châu Á-Phi như sau:

Châu Á – Phi hình thành các cường quốc đế chế từ rất sớm và duy trì rất lâu (Ai Cập, Ba Tư, Ấn Độ, Trung Hoa) à Bị ngủ quên quá lâu trong sự thống trị và tư duy mình là trung tâm thế giới, mình đã hiểu hết về thế giới

Châu Âu với sự duy trì đế chế cổ đại ngắn hơn và sớm phân tách thành nhiều quốc gia với những tiềm lực đất đai, quân sự gần như ngang nhau, nên đá sớm nhận ra sự ngu dốt và nhỏ bé của mình à Tham vọng khám phá chinh phục vùng đất mới (dễ dàng hơn là mở mang bờ cõi sang những quốc gia Châu Âu lân cận vốn đã biết quá rõ về nhau) à dần dần tích lũy đa giá trị trong suốt 3 thế kỉ tính từ cuối thế 15 với những đoàn thám hiểm đầu tiên: các giá trị người Châu Âu tích lũy được qua nhiều thế kỉ tự nhận mình không biết gì về thế giới đã rất đa dạng về cả tư duy, tinh thần lẫn vật chất, ví dụ như sự tự do đi lại, tìm tòi tri thức tự nhiên – xã hội, khoa học, quân sự, tư bản, tiền vàng, lãnh thổ thuộc địa tài nguyên….

Những khởi đầu tư duy này cùng với một chuỗi các sự kiện lịch sử ngẫu nhiên sau đó đã dẫn tới việc Châu Âu bá chủ thế giới vào nửa sau thế kỉ 19 và kéo dài đến gần hết thế kỉ 20.

Cho tới tận ngày nay, một đặc điểm tính cách giữa những người châu Âu và châu Á vẫn được duy trì, tuy đã bắt đầu xóa nhòa do sự toàn cầu hóa:

Người Châu Âu có một sự tò mò ham khám phá, thích đặt câu hỏi và lắng nghe với một tư duy cởi mở ( từ thời đi khám phá thế giới đầu tiên đến tận thời hiện đại ngày nay)

Người Châu Á  ít nhiều vẫn có một tính khí tự hào, tự cao nhất định và thường không muốn tò mò và ít đặt câu hỏi. Nếu đặt câu hỏi thì cũng lắng nghe với một  tư duy đóng, có xu hướng bác bỏ, thiếu tính xây dựng.

Tri thức mấu chốt 6:

Từ những khởi đầu tham vọng khám phá thế giới đầu tiên, sự phát triển, kết hợp chặt chẽ giữa Khoa học và chủ nghĩa Đế quốc ở Châu Âu đã ngày càng mang tới những thành công khổng lồ về Kinh tế – Thị trường – Thương mại cho Châu Âu, dần dẫn dẫn tới hình thành một sức mạnh khủng khiếp tiếp theo – Chủ nghĩa Tư Bản – cái mà cùng với Khoa học – Công nghiệp đã khiến người Khổng lồ Châu Âu không thể dừng lại, bất chấp những sự xóa mòn và hủy diệt về các giá trị văn hóa – con người.

Tri thức mấu chốt 7:

Khoa học – Đế quốc – Chủ nghĩa Tư Bản – Cách mạng Công nghiệp đã tạo ra những thành tự không tưởng cùng với những sự hủy diệt tàn khốc. Đó là cả một quá trình Cách mạng chuyển mình trong đau đớn triền miên của loài người trong suốt thế kỉ từ 15 đến tận cuối thế ki 20, thậm chí nỗi đau còn tồi tệ hơn rất nhiều so với những thời chuyên chế trung cổ. Và nỗi đau nhân loại trong thời chiến tranh, chuyên chế trung cổ cũng lại tồi tệ hơn rất nhiều so với những tổ tiên Sapiens thời tiền Cách mạng Nông nghiệp – cái thời tự do nhảy nhót săn bắt, hái lượm trên khắp các cánh rừng và thảo nguyên tự do, không lo nghĩ về ngày mai.

Và câu hỏi cho việc liệu hạnh phúc của con người có phát triển tăng thêm cùng với sự tiến hóa vượt bậc của loài người bỗng trở nên phức tạp và thật khó trả lời?!

Hạnh phúc được định nghĩa chung là sự hài lòng chủ quan về cả thể chất lẫn tinh thần. Theo góc nhìn sinh hóa, hạnh phúc thực chất chỉ là các đợt tăng lên hoặc giảm đi của các hormon steronin.

Có thể trong vài thập kỉ gần đây (mới chỉ từ năm 1945 đến nay hoặc thậm chí ngắn hơn) thế giới đã văn minh và yên bình hơn, tuổi thọ cao hơn và tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh thấp hơn hẳn. Thế nhưng hiện nay, tỉ lệ người chết do tự tử lại chiếm tỉ lệ vượt trội hơn hẳn so với tỉ lệ người chết do tai nạn hay do những cuộc chiến tranh xung đột còn sót lại trên thế giới.

Vậy là, con người có đang hạnh phúc hơn tổ tiên Sapiens thời kì đồ đá của mình?

Tri thức mấu chốt 8:

Con người hiện đại đang thậm chí có thể tác động vào chu trình của tự nhiên thông qua các công nghệ sinh học biến đổi gen, người máy hoặc nửa máy cyborg và đời sống vô cơ (ví dụ như virus máy tính). Tuy công nghệ biến đổi gen vẫn còn bị hạn chế trên con người vì nhiều vấn đề đạo đức, nhân văn nhạy cảm…, nhưng sớm hay muộn rồi nó cũng sẽ mang đến những điều không tưởng trong một tương lai nào đó, hoặc kì diệu không tưởng hoặc tồi tệ không tưởng – điều mà vẫn còn là một bí mật cần thời gian trả lời.

Rõ ràng, so với các tổ tiên Sapiens từ 100,000 đến 70,000 năm trước, con người Sapiens ngày nay đã cận kề ranh giới của một vị thần, đang ngày càng can thiệp được sâu hơn vào chu trình tự nhiên.

Và biết đâu, chỉ trong một vài thế kỉ nữa thôi, thế hệ người Sapiens tương lai sẽ nghiên cứu và nhìn lại những Sapiens chúng ta ngày nay như một thế hệ tổ tiên kém cỏi, mông muội và đầy hạn chế?

Sapiens tương lai sẽ là những vị thần toàn năng thực sự, hay chỉ đơn giản, sẽ biến mất mãi mãi vào một kỉ nguyên nào đó?!

Hãy tìm mua cuốn Sapiens hấp dẫn này tại Tiki Sách Thật và nối dài thêm trí tưởng tượng của bạn nhé!

4 COMMENTS

  1. Review tương đối đầy đủ và chất lượng. Mình cũng rất thích cuốn này và nghiên cứu khá kĩ. Tks for sharing!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here